Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa triệu tập một phiên họp khẩn cấp ngay trước thềm cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để bàn về lợi tức trái phiếu và lạm phát.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh lạm phát khu vực EU lên đỉnh cao lịch sử 8,1% trong tháng 5/2022 và thị trường tài chính nhiều nước biến động tiêu cực chưa từng có. Trái phiếu nước Ý bị bán tháo, khiến lợi tức trái phiếu quốc gia này tăng vọt lên trên 4% và đang trên đường hướng tới mốc 5%.
Ngay sau cuộc họp, lợi tức trái phiếu của nước Ý tụt giảm từ mức 4,3% xuống 3,93%. Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Ý tạm thời hạ nhiệt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu được cho là đã thảo luận về việc tái đấu tư trở lại cho chương trình thu mua trái phiếu khẩn cấp nhằm đối phó với đại dịch (PEPP) trong cuộc họp bất thường này.
Sau cuộc họp, nhà tạo lập chính sách Pierre Wunsch của ECB cho biết, ECB rất sẵn sàng can thiệp nếu các thị trường phản ứng thái quá.
Các cổ phiếu ngân hàng Ý đã giảm trong những ngày gần đây khi mà chi phí tái cấp vốn với lãi suất cao hơn dường như đã trở thành một vấn đề lớn. Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng như Unicredit, Intesa Sanpaolo và BPER Banca đã tăng trở lại trong phiên hôm nay, với mức tăng 4,3%-5,6%.
Thị trường được cho là có thể mong đợi một cam kết mạnh mẽ bằng lời nói từ ECB rằng tổ chức này sẽ không để xảy ra một sự đổ vỡ trong khu vực. Việc tái đầu tư cho chương trình PEPP được xem là một bước phòng thủ đầu tiên nhằm làm dịu thị trường.
Tỷ giá EUR/USD tăng trở lại từ mức thấp 1,04.
Fed hôm nay có cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng và nhiều người đặt cược ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 75-100 điểm, thay vì 50 điểm như kỳ vọng trước đó, sau khi Mỹ công bố lạm phát lên đỉnh cao 42 năm: CPI tăng 8,5% trong tháng 5, cao gấp hơn 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Hiện tại, Nước Mỹ đã đặt mục tiêu giảm lạm phát là ưu tiên số 1, trong khi châu Âu cũng có những bước đi đầu tiên. Trong cuộc họp vừa diễn ra hôm 9/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cho biết sẽ nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, ECB thừa nhận ý định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7, đồng thời để ngỏ khả năng nâng lãi suất mạnh hơn (có thể là 50 điểm phần trăm) vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, nhiều nước ghi nhận mức tăng 2 con số.
Gần như chắc chắn, ECB sẽ lần nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ và ngân hàng này cũng sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản quy mô lớn vào ngày 1/7. Hội đồng Thống đốc ECB cũng cho biết, sẽ “nâng lãi suất dần dần nhưng kéo dài”.
Theo lộ trình này, lãi suất cơ bản của khu vực sẽ tăng lên ít nhất lên mức 0% vào cuối quý III/2022, từ mức -0,5% hiện tại. Kỷ nguyên lãi suất âm kéo dài 8 năm qua sẽ chấm dứt và nó cũng đánh dấu sự kết thúc của nhiều năm thực hiện kích thích kinh tế của ECB.
Cuộc họp bất thường vừa diễn ra cho thấy, ECB muốn hành động mạnh và sớm hơn.
Tổng cộng trên thế giới đã có hơn 60 ngân hàng trung ương các nước nâng lãi suất trong năm 2022 để chồng lại lạm phát.
Hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế nước họ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) giống như thời thập niên 70. Theo đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9%, so với mức dự báo 4,1% được chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 1/2022.
M. Hà