Theo Insider, trong ngày 26/7, 6 tiêm kích F-22 thuộc Phi đội 3 của không quân Mỹ đã có mặt tại căn cứ không quân Lakenheath (Anh), trước khi lên đường tới Ba Lan để hỗ trợ sứ mệnh phòng không của NATO. Đây là 6 tiêm kích đầu tiên trong số 12 chiếc F-22 sẽ được Mỹ gửi tới châu Âu nhằm giúp các đồng minh đối phó với những nguy cơ an ninh trong khu vực.
Sứ mệnh phòng không của NATO được triển khai nhằm gia tăng sự bảo vệ của các nước trong liên minh trước những cuộc tấn công bằng tên lửa hay máy bay chiếm đấu. Vấn đề này càng được chú trọng khi khu vực phía đông của NATO đối diện những nguy cơ an ninh từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo Bộ Tư lệnh Không quân đồng minh NATO, "sự hiện diện của các tiêm kích F-22 được kỳ vọng sẽ cung cấp một lá chắn từ Baltic đến Biển Đen, bảo vệ an toàn cho các nước liên minh trước những mối đe dọa từ không quân và tên lửa".
F-22 Raptor là máy bay chiến thuật tàng hình thế hệ thứ 5, có khả năng chiến đấu tuyệt vời cả trên không lẫn tác chiến mặt đất. Theo các quan chức Không quân Mỹ, "Chim ăn thịt" là tiêm kích mà không máy bay chiến đấu hiện tại hoặc tương lai gần nào có thể so sánh được.
F-22 dài 18,9m, cao 5,10m, có sải cánh 13,6m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn, có tầm bay 3.200km, trần bay 18km. Đặc biệt, máy bay mang tên Chim ăn thịt này sở hữu khả năng tàng hình tốt nhất thế giới nhờ diện tích phản xạ radar cực nhỏ (0,0001m2 so với 0,5m2 của Su-57 và 0,001m2 của F-35), vận tốc hành trình ở mức Mach 1.8 (hơn 2.200 km/h) và có độ bền cơ học khá cao.
Vốn được coi là có khả năng tác chiến "không đối thủ", F-22 được trang bị hệ thống radar mảng pha cực mạnh AN/APG-77v1 có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ 1m2 ở khoảng cách 240km. Để đối phó với các đối thủ trên không, Chim ăn thịt sử dụng 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm bắn 120km và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Khi cần tác chiến dưới mặt đất, F-22 mang theo 3 bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454kg cùng một số nhỏ tên lửa không đối không.
Việt Dũng