Tờ Financial Times của Anh hôm nay (22/3) trích dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Nhà Trắng "ngày càng thất vọng trước các vụ tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine" vào các nhà máy lọc dầu, nhà ga và cơ sở hạ tầng dầu mỏ khác của Nga.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các chỉ huy quân đội Ukraine rằng, những vụ tập kích như vậy có thể làm leo thang giá năng lượng toàn cầu. Thực tế, theo Reuters, giá dầu đã tăng gần 4% kể từ ngày 12/3, khi các lượng Kiev lần đầu tiên oanh tạc cơ sở hạ tầng năng lượng của nước láng giềng.
Washington lo ngại, giá xăng dầu tăng cao thêm ở Mỹ sẽ kéo tụt mức độ tín nhiệm của cử tri dành cho Tổng thống Joe Biden và làm sụt giảm cơ hội tái đắc cử vào Nhà Trắng của ông trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.
“Ông Biden đang phải đối mặt với cuộc chiến tái cử khó khăn, giữa lúc giá xăng dầu ngày càng tăng và đã tăng gần 15% trong năm nay. Không có gì khiến một tổng thống Mỹ đương nhiệm sợ hãi hơn việc giá nhiên liệu tăng vọt trong năm bầu cử”, cựu cố vấn năng lượng Nhà Trắng Bob McNally giải thích.
Theo tạp chí Anh, Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) và Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công vào cơ sở năng lượng Nga gần đây. Các cảnh báo từ Washington đã được chuyển trực tiếp tới các quan chức cấp cao của hai cơ quan đó.
Các nguồn tin nói thêm, Kiev biện minh đây là cách giúp họ làm suy yếu việc cung cấp nhiên liệu cho binh lính Moscow ở tiền tuyến cũng như gây tổn thất về doanh thu từ buôn bán dầu mỏ của Nga. Nhà chức trách Ukraine cũng tin họ đã “tạo ra đòn giáng mang tính biểu tượng, bằng cách đưa xung đột đến gần Moscow hơn”.
Một số nguồn tin còn nhận định, Kiev có thể đang dùng chiến lược này để gây áp lực buộc Quốc hội Mỹ phải phê duyệt khoản viện trợ 60 tỷ USD được đề xuất cho Ukraine.
Cả Washington, Moscow và Kiev hiện đều chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên báo Financial Times.