“Chúng tôi đang tăng cường hơn nữa việc cung cấp các trang thiết bị quân sự cho Ukraine, nên giờ tôi có thể tự hào tuyên bố rằng chính quyền Mỹ sẽ cho tổ chức một cuộc họp đặc biệt để quy tụ các giám đốc điều hành của nhiều tập đoàn quốc phòng nội địa trong vài tuần tới. Tại đó, chúng tôi sẽ thảo luận về việc làm thế nào để nền công nghiệp quốc phòng Mỹ có thể trang bị cho các lực lượng vũ trang Ukraine những khả năng mà họ cần trong tương lai”, trang tin The Guardian dẫn lời ông Austin phát biểu tại Căn cứ không quân Ramstein, Đức.
“Tôi cũng xin cảm ơn ba quốc gia Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia vì đã tái tăng cường các cơ sở công nghiệp của họ để đáp ứng những nhu cầu tự vệ của Ukraine. Cả ba nước này đã phối hợp việc sản xuất nhằm cung cấp cho Ukraine đạn dược, phụ tùng và nguyên liệu mà chính quyền Kiev cần để tiếp tục chiến đấu”, ông Austin nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó đã “gửi một lời cảm ơn ‘đặc biệt’ tới nước Anh, vì chính quyền London đã thiết lập chương trình huấn luyện quân sự cơ bản cho hàng nghìn tân binh Ukraine”.
“Việc có thêm nhiều binh sĩ được huấn luyện bài bản là yếu tố cực kỳ quan trọng trong chiến đấu”, ông Austin nhấn mạnh.
IAEA lo ngại về nhà máy Zaporizhzhia
“Tôi cực kỳ lo ngại về tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, chừng nào các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn. Bất chấp những thiệt hại về vật chất do các cuộc pháo kích, các kỹ sư và nhân viên tại đó vẫn có thể khôi phục một trong những đường dây dự phòng. Nhưng tôi vẫn lo ngại về tình hình ở đó, khi sự nguy hiểm đang hiện diện thường trực”, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói với hãng tin CNN hôm nay (12/9).
“Để giải quyết được vấn đề nghiêm trọng này, chúng ta cần phải khẩn trương thiết lập một vùng an toàn hạt nhân ở nhà máy Zaporizhzhia”, ông Grossi nói thêm.
CNN đưa tin, chính quyền Nga thời gian qua nhiều lần đưa ra cáo buộc các lực lượng Ukraine sử dụng pháo và máy bay không người lái tấn công nhà máy Zaporizhzhia, đồng thời cảnh báo những đòn tấn công như vậy có thể gây ra một thảm họa hạt nhân như vụ Chernobyl năm 1986.
Trong khi đó, Kiev lại cáo buộc Moscow biến nhà máy điện hạt nhân này thành căn cứ quân sự, tự tiến hành nã pháo vào nhà máy rồi đổ tội cho quân đội Ukraine.