Khi điện gió và mặt trời phổ biến, nhu cầu các giải pháp lưu trữ năng lượng dư thừa quy mô lớn ngày càng cấp thiết. Trong khi đó, lưu trữ thuỷ điện tích năng chưa thực sự phù hợp do tiền đầu tư xây dựng lớn và khó khả thi ở một số địa điểm.
Tại Lincoln, Maine (Mỹ), công ty Form Energy đang có kế hoạch chuyển đổi nhà máy giấy và bột giấy cũ thành cơ sở pin điện lớn nhất thế giới, có khả năng cung cấp 85 MW vào điện lưới cùng một thời điểm. Đây là cơ sở pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn nhất thế giới thời điểm này.
Pin lithium-ion hiện là giải pháp duy nhất để lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên, công nghệ này đắt tiền, số giờ đầu ra hạn chế và cũng đi kèm với rủi ro, đặc biệt là ở những khu vực có nhiệt độ khắc nghiệt.
Form Energy sử dụng công nghệ sắt - khí, có chi phí triển khai chỉ bằng 1/10, có thể cung cấp năng lượng trong 100 giờ, không bắt lửa và cũng dễ tái chế hơn.
Pin sắt - khí sử dụng các vật liệu đơn giản và phổ biến như sắt, nước và không khí. Công nghệ này hoạt động sử dụng nguyên lý đảo ngược của quá trình rỉ sét và chất điện phân gốc nước không bắt lửa. Khi pin xả, nó sử dụng oxy từ không khí để chuyển đổi sắt kim loại thành oxit sắt hoặc rỉ sét. Trong quá trình sạc, oxit sắt được chuyển đổi trở lại thành sắt và oxy được giải phóng.
Một module pin sắt - khí có kích thước bằng một bộ máy giặt - sấy, chứa khoảng 50 ô, ngâm trong chất điện phân. Sau đó, nhiều module được đặt trong các hộp kín bảo vệ và có thể được nhóm lại với nhau thành các khối điện quy mô MW.
Form Energy sẽ sử dụng các bộ nguồn để lưu trữ 85 MW điện, mức xả 100 giờ, trở thành loại pin lớn nhất thế giới.
Ngoài việc lập kỷ lục, cơ sở này sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng tại địa phương do nguồn cung khí đốt hóa thạch hạn chế và nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.
Dự án của Form Energy giúp lưu trữ năng lượng tái tạo từ các trang trại điện gió và mặt trời, đồng thời giúp đáp ứng nhu cầu của lưới điện khi sản lượng điện thấp.
Thượng nghị sĩ Angus King cho biết, dự án này là một bước tiến trong việc giải quyết tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở Maine. Vào tháng 12 và tháng 1 vừa qua, hàng trăm nghìn người dân đã phải sống trong cảnh không có điện thời gian dài sau những cơn bão tàn khốc đổ bộ.
(Theo Interesting Engineering)