Theo Financial Times, Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh ở châu Âu và châu Á thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ và công cụ liên quan đến chip sang Trung Quốc do lo ngại Huawei phát triển chất bán dẫn tiên tiến.
Nguồn tin của tờ báo tiết lộ, Washington muốn Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại mạnh mẽ hơn, bao gồm ngăn chặn các kỹ sư từ nước mình bảo dưỡng các công cụ sản xuất chip tại các nhà máy bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng vào năm 2022, bao gồm lệnh cấm "người Mỹ" - công dân và công ty Mỹ - hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp một số nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có rất ít hạn chế ngăn cản các tổ chức Trung Quốc thuê kỹ sư từ các đồng minh của Mỹ.
Theo Kevin Wolf, một chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại công ty luật Akin Gump, để các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn và tạo sân chơi bình đẳng cho Mỹ, các đồng minh cần cấm các công ty trong nước cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.
Financial Times nhận định Mỹ ngày càng lo ngại về tốc độ phát triển chip tiên tiến của các tập đoàn Trung Quốc bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Mỹ. Năm ngoái, khi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đến thăm Trung Quốc, Huawei đã phát hành điện thoại Mate 60 Pro, trang bị chip đời mới khiến các chuyên gia kiểm soát xuất khẩu trong chính phủ Mỹ bất ngờ.
Washington cũng muốn các đồng minh gây khó khăn hơn cho các công ty từ các nước thứ ba trong việc cung ứng cho Trung Quốc hàng hóa chứa công nghệ được sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Hà Lan.
Mỹ sử dụng một công cụ có tên "Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài" (FDPR) để nhằm vào Huawei. Nó cho phép Bộ thương mại ngăn chặn các công ty không phải của Mỹ cung ứng các mặt hàng chứa công nghệ Mỹ ngay cả khi nó được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Dù vậy, các đồng minh đã không thực hiện các biện pháp có tác động tương tự.
Một nguồn tin cho biết Mỹ không yêu cầu các đồng minh tạo ra các cơ chế mới theo đường lối của FDPR mà chỉ muốn họ sử dụng các chế độ kiểm soát xuất khẩu hiện có để giải quyết vấn đề.
Hiện vẫn chưa rõ các đồng minh sẽ phản ứng như thế nào. Họ đã siết kiểm soát xuất khẩu công nghệ liên quan đến chip sau các lệnh kiểm soát của Mỹ năm 2022. Một số công ty châu Á thất vọng khi Mỹ tiếp tục để một số công ty của mình, chẳng hạn Qualcomm, cung cấp chip cho Huawei dù Washington gây áp lực lên các đồng minh.
Một số quan chức ở các nước đồng minh cũng lập luận rằng việc có kỹ sư tại các tổ chức Trung Quốc là cần thiết để giúp họ giám sát hoạt động địa phương.
Chia sẻ trên Financial Times, Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nói việc công dân châu Âu làm việc tại Trung Quốc là vấn đề căn bản của tự do cá nhân và họ cần hành động thận trọng nếu hạn chế điều đó.
Trong một diễn biến khác, Marco Rubio, Phó Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện của Đảng Cộng hòa và Elise Stefanik, thành viên thứ tư của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã kêu gọi bà Raimondo thu hồi giấy phép xuất khẩu liên quan đến Huawei sau khi truyền thông đưa tin công ty Trung Quốc đã phát triển một laptop dùng chip Intel.
“Rõ ràng từ những xu hướng này cho thấy Huawei, một công ty nằm trong danh sách đen chỉ vài năm trước, đang trở lại", họ viết trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ.
Intel cho biết họ "tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các luật và quy định tại các quốc gia nơi chúng tôi kinh doanh".
(Theo Financial Times)