Theo Insider, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây đã có bài phỏng vấn với tờ Financial Times. Tại đây, quan chức Mỹ nhận định rằng Ukraine sẽ không thể tổ chức phản công trước năm 2025.
"Ukraine vẫn có thể giữ vững phòng tuyến và đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga cho đến năm 2024 với sự hỗ trợ từ các đối tác. Nhưng Kiev chưa thể phản công ngay lập tức, gói viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ cần thời gian để tới Ukraine. Nó không giống với một cái công tắc mà bạn có thể bật ngay lập tức, một cuộc phản công có thể giúp Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ chỉ có thể xảy ra vào năm 2025", ông Sullivan nói.
Vào tháng trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ quân sự hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Theo giới quan sát, gói viện trợ này không thể thay đổi tình hình ở tiền tuyến ngay lập tức, và Nga có thể tận dụng thời gian vận chuyển khí tài để tăng cường sức ép.
Nga cảnh báo về tiêm kích F-16 ở Ukraine
Theo Sputnik, trong ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ coi các tiêm kích F-16 mà phương Tây gửi tới Ukraine là "khí tài có năng lực hạt nhân", và hành động của phương Tây đang đẩy cuộc xung đột tới ngưỡng không thể quay trở lại.
"Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng các tiêm kích này là khí tài có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân. Mọi phiên bản F-16 được cung cấp cho Ukraine đều bị coi là có khả năng hạt nhân, và chúng tôi coi đây là hành động khiêu khích có chủ đích của Mỹ và NATO", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, một số quốc gia thành viên NATO đang cố tình kéo liên minh này vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Moscow. Phía Nga đề cập tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và cảnh báo "các hành động liều lĩnh của phương Tây" đang đẩy tình hình tới giới hạn bùng nổ.
Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ bắn hạ các máy bay F-16 được phương Tây chuyển tới Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo rằng việc F-16 xuất hiện ở tiền tuyến Ukraine có nguy cơ dẫn đến xung đột hạt nhân.