Tại ngày đầu của Hội nghị thượng đỉnh An toàn trí tuệ nhân tạo (AI) ở Anh, các quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra tuyên bố chung – Bletchley Declaration – nhắc đến những nguy cơ tiềm ẩn của AI như tấn công mạng.
Theo tuyên bố chung, các mô hình AI có khả năng gây hại nghiêm trọng, thậm chí thảm khốc, dù cố tình hay vô ý. Các nước ký vào tuyên bố cam kết hợp tác cùng nhau để cải thiện sự an toàn của AI.
Quan chức cấp cao đến từ 28 nước tham dự hội nghị. Ngoài ra, còn có các lãnh đạo công nghệ toàn cầu như Elon Musk, người vừa thành lập công ty phát triển AI mới và Sam Altman, CEO OpenAI – startup đứng sau ChatGPT.
Tuần trước, nói về quyết định mời đại diện từ Trung Quốc, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng, để có một giải pháp thích hợp với AI, đòi hỏi giải pháp quốc tế.
Hội nghị thượng định An toàn AI sẽ khép lại vào ngày 2/11. Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh Michelle Donelan thông báo hội nghị lần hai sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc trong vòng 6 tháng và hội nghị lần ba tổ chức tại Pháp trong vòng một năm.
Sự kiện tập trung vào AI tiên tiến, đi sâu vào các vấn đề như rủi ro khi sử dụng AI trong tấn công mạng, phát triển vũ khí sinh học, hóa học, cũng như rủi ro mất kiểm soát công nghệ. Bà Donelan nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp cận chủ động trước khi công nghệ AI mới xuất hiện trong năm 2024.
Thông báo chung kêu gọi doanh nghiệp AI bảo đảm an toàn và thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong kế hoạch của họ để “đo lường, giám sát và giảm thiểu khả năng gây hại”.
Theo bà Donelan, ngay cả những người phát triển AI tiên tiến cũng không nhận thức đầy đủ rủi ro chúng mang lại. Để chấm dứt điều đó, một khuôn khổ sẽ được thiết lập để các nhà nghiên cứu chia sẻ kiến thức về rủi ro liên quan đến sáng tạo công nghệ.
Các nước sẽ đề cử đại diện tham gia khuôn khổ. Thông tin về những trường hợp lạm dụng AI, rủi ro mất kiểm soát… được thông báo cho các chính phủ và dùng trong các biện pháp đối phó.
Khuôn khổ này được mô phỏng theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Alphabet Kent Walker đề xuất thành lập tổ chức nghiên cứu phụ trách các biện pháp an toàn AI để đạt sự đồng thuận khoa học.
Anh là một trong những nước đi đầu về phát triển AI, tập trung tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Chính phủ muốn sử dụng AI để tăng trưởng kinh tế và tạo ra môi trường nơi công nghệ được tận dụng tối đa trong khi giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.
Theo Thủ tướng Anh, nước này không vội vã quản lý AI. Chính phủ tin rằng nếu các doanh nghiệp AI lớn đồng ý với các biện pháp an toàn, chưa cần phải đưa ra quy định về AI. Anh sẽ thiết lập một viện an toàn AI trong nước, phụ trách đánh giá rủi ro của các công nghệ AI hiện đại.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thông báo Mỹ cũng sẽ mở một viện tương tự.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc thành lập cơ quan tư vấn về các vấn đề liên quan đến AI, bao gồm 39 học giả, quan chức trong ngành và quan chức chính phủ từ 33 quốc gia. Ngoài ra, Pháp và Canada có liên minh để các chuyên gia trong khu vực công và tư nhân chia sẻ kiến thức.
(Theo Nikkei)