Nga cảnh báo nếu Mỹ gửi siêu vũ khí cho Kiev
CNN dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đang thay đổi phương thức giúp Ukraine chống lại Nga bằng cách từ chối một số yêu cầu về vũ khí từ Kiev.
Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng, việc Ukraine giành được một số kết quả khả quan gần đây cho thấy các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Vẫn quá sớm để gọi những tiến bộ gần đây của lực lượng Ukraine là “bước ngoặt của cuộc chiến”, quan chức này cho biết thêm.
Chính vì thế, Washington cho rằng thời điểm hiện tại chưa cần thiết để cung cấp Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mà Kiev đã yêu cầu trong nhiều tháng qua.
ATACMS là hệ thống tên lửa có thể nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách từ 140 đến 300km, xa hơn hẳn so với tên lửa Tochka-U (120km) nhưng chưa bằng Iskanders (500km) của Nga.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cho biết quan điểm của Washington không thay đổi.
"Hệ thống pháo phản lực (HIMARS) được sử dụng để bắn đạn GMLRS đã mang lại hiệu quả phi thường khi giúp lực lượng Ukraine đạt được mục tiêu mà mình mong muốn”, ông Autin nói trong một buổi họp báo mà không hề đề cập đến ATACMS.
Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/9 cho biết, "nếu Washington quyết định cung cấp cho Kiev các tên lửa có tầm bắn lớn hơn, đồng nghĩ với việc Mỹ sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và đẩy mức độ căng thẳng của cuộc xung đột lên nấc thang mới".
"Chúng tôi đang duy trì quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng tất cả các phương tiện sẵn có", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
Vào tháng 9, The Wall Street Journal đưa tin, trong số vũ khí mà Ukraine yêu cầu từ Mỹ, có Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mà trước đó Washington đã từ chối cung cấp cho Ukraine do có nguy cơ khiêu khích Nga.
Ông Zelensky: Mỹ, Đức chưa giao tên lửa phòng không đã hứa
Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Ukraine đề cao vai trò của những hệ thống phòng không và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ các thành phố, thị trấn khỏi đòn không kích của Nga.
Tuy nhiên, các hệ thống phòng không được Mỹ và Đức hứa hẹn chuyển giao vẫn chưa đến tới tay lực lượng quân đội Ukraine, ông nói tại buổi họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại thủ đô Kiev.
Trước đó vào ngày 23/8, chính phủ Đức thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm có ba hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM.
Mỗi tổ hợp gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới cùng ba xe phóng tối đa 24 đạn sẵn sàng chiến đấu, có tầm bắn tối đa 40 km.
Lầu Năm Góc ngày 1/7 thông báo Mỹ sẽ chuyển hai tổ hợp Tổ hợp Phòng không Tiên tiến của Na Uy (NASAMS) cho Ukraine.
Gần đây, Ukraine mở đợt phản công ở tỉnh đông bắc Kharkov và tái kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ, trong khi chiến dịch tại tỉnh miền nam Kherson bị Nga chặn lại.
Giới chức Ukraine tuyên bố đã giành lại lãnh thổ rộng hơn 6.000 km2 kể từ đầu tháng 9, trong khi các quan chức phương Tây bày tỏ thận trọng trước thông tin nói trên.
Điện Kremlin hôm 12/9 khẳng định chiến dịch sẽ tiếp diễn đến khi hoàn tất mục tiêu và bác bỏ khả năng đàm phán hòa bình.
IAEA kêu gọi Nga rời nhà máy Zaporizhzhia
Theo CNN, Hội đồng Thống đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngừng mọi hoạt động tại nhà máy Zaporizhzhia và các cơ sở hạt nhân ở Ukraine.
Nghị quyết này do 2 phái đoàn Canada và Ba Lan thay mặt Ukraine đề xuất lên Hội đồng Thống đốc của IAEA và đã được thông qua trong phiên họp kín ngày 16/9, với 26 phiếu thuận, hai phiếu chống và 7 phiếu trắng.
Nội dung Nghị quyết kêu gọi Nga "lập tức chấm dứt mọi động thái chống lại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và các cơ sở hạt nhân khác của Ukraine, cũng như ngừng mọi hoạt động tại những khu vực này và trao trả quyền kiểm soát cho giới chức Ukraine".
“Sự hiện diện của quân đội Nga tại đây làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân”, thông tin từ Nghị quyết.
Hội đồng Thống đốc là một trong hai cơ quan điều hành và xây dựng chính sách cao nhất của IAEA với 35 thành viên, bên cạnh Đại hội đồng họp mỗi năm một lần.
Trong gần 7 tháng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra tại Ukraine, đây là nghị quyết thứ hai được Hội đồng Thống đốc thông qua. Nghị quyết trước đó có nội dung tương tự, nhưng được phê chuẩn trước khi lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia hồi tháng 3.
Trước đó, phái đoàn Nga tại IAEA cho rằng "điểm yếu lớn nhất của nghị quyết" là không nhắc tới các vụ pháo kích có hệ thống nhằm vào nhà máy Zaporizhzhia.
"Lý do đơn giản là bởi những cuộc pháo kích được tiến hành bởi Ukraine, vốn được các quốc gia phương Tây hỗ trợ và che chở bằng mọi cách", phái đoàn Nga ra thông cáo cho hay.
Hiện tại Moscow vẫn chưa có bất cứ bình luận nào liên quan đến quyết định mới nhất của Hội đồng Thống đốc.
Như Quỳnh