“Mỗi tuần chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc viện trợ đầy đủ những gì mà chúng tôi cho là cần thiết để cung cấp cho Ukraine. Chúng tôi vẫn có thể cung cấp hỗ trợ quân sự mà Ukraine yêu cầu, nhưng nếu được phân bổ tiền đầy đủ, chúng tôi sẽ có thể thực hiện điều đó trên cơ sở bền vững hơn”, hãng tin TASS dẫn lời ông Sullivan nói hôm 13/11.
Ông cho rằng, “cơ hội hỗ trợ Ukraine đang dần đóng lại” đối với chính quyền Mỹ, nhưng Nhà Trắng không thể nêu cụ thể ngày nào toàn bộ số tiền phân bổ cho Kiev sẽ được chi tiêu.
Hungary từ chối hỗ trợ cho Kiev
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, Budapest không phê duyệt việc phân bổ 500 triệu euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu cho Kiev vì Hungary không nhận được sự bảo đảm cho các công ty từ chính quyền Ukraine.
“Chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm cho đến khi nhận được sự bảo đảm từ Cơ quan chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NACP) rằng tình trạng đưa ngân hàng hoặc bất kỳ doanh nghiệp Hungary nào khác vào danh sách ‘các nhà tài trợ chiến tranh’ sẽ không bao giờ lặp lại”, ông Szijjarto nói.
Ông lưu ý, Hungary “một lần nữa phải chịu áp lực rất lớn”.
Châu Âu không giảm hỗ trợ cho Ukraine
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, châu Âu sẽ không giảm hỗ trợ cho Ukraine mà ngược lại, họ có kế hoạch mở rộng.
“Chúng tôi sẽ không chỉ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine mà còn mở rộng và nâng cao sự hỗ trợ đó”, bà Baerbock nói khi đến cuộc họp với các đồng nghiệp Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức không đưa ra con số cụ thể.
Trước đó, chính phủ Đức dự định tăng viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới từ 4 tỷ euro lên 8 tỷ euro. Vào đầu tháng 11, chính phủ Đức thông báo sẽ chuyển thêm 25 xe tăng Leopard 1A5 khác cho Ukraine.
Lô vũ khí mới được chuyển đến Kiev còn bao gồm máy bay không người lái trinh sát và radar. Tổng khối lượng hỗ trợ từ Đức cho Ukraine trong một năm rưỡi qua lên tới khoảng 24 tỷ euro.