Trong thông cáo được Lockheed Martin đưa ra sau lễ ký kết, lãnh đạo công ty này nói rằng sự hợp tác trên nhằm mục đích sản xuất phiên bản hệ thống vũ khí laser Iron Beam (Tia Sắt) dành cho thị trường Mỹ và nhiều quốc gia khác. Tia Sắt được thiết kế giống hệ thống tên lửa phòng không Vòm Sắt, nhưng chuyên “bắn hạ những loại đạn nổ có kích thước nhỏ hơn”.
“Trước đây, các hoạt động của Lockheed Martin ở Israel chỉ gói gọn trong việc cung cấp và bảo dưỡng các máy bay được Không quân Israel sử dụng, từ vận tải cơ C-130 tới các chiến cơ F-16 và F-35. Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên hoạt động mới tại Israel, tiến tới thời kỳ laser năng lượng cao và đang tìm kiếm những hệ thống vũ khí hoạt động tốt trên thực địa, đáng tin cậy và hiệu quả cao tới từ đối tác là công ty Rafael”, người đứng đầu chi nhánh Lockheed Martin ở Israel, ông Joshua Shani nói với tờ Thời báo Israel.
Chủ tịch Công ty quốc phòng Rafael Yoav Har-Even ca ngợi thỏa thuận ký với Lockheed Martin là “mang tính chiến lược, sẽ mở rộng và đa dạng hóa các khả năng mà Rafael cung ứng cho các khách hàng”.
Theo Thời báo Israel, Tia Sắt là hệ thống phòng thủ laser trên mặt đất được phát triển và sản xuất dưới sự hợp tác của công ty Rafael và Bộ Quốc phòng Israel với mục đích bắn hạ những mục tiêu nhỏ như máy bay không người lái, tên lửa không dẫn đường hoặc tên lửa chống tăng mà hệ thống phòng không Vòm Sắt không thể phá hủy.
Nhiều quan chức quốc phòng Israel nhận định rằng, Tia Sắt có tiềm năng trở thành ‘kẻ thay đổi cuộc chơi’ trên chiến trường, khi nó có thể chống lại các cuộc tấn công tên lửa từ đối phương. Dù vậy, hệ thống vẫn có một nhược điểm là không hoạt động tốt trong điều kiện thiếu tầm nhìn.
Video: Hệ thống Tia Sắt thử nghiệm hồi tháng 3/2022. Nguồn: Rafael