Lầu Năm Góc hôm 19/8 thông báo, quân đội Mỹ một ngày trước đó đã thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình thông thường, được phóng từ mặt đất và găm trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km tại đảo San Nicolas, bang California.
Ảnh chụp vụ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng trên mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California ngày 18/8 do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp. |
Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi INF, hiệp ước được ký kết năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. INF cấm Washington và Moscow phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.500km trên mặt đất.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Các hành động của Mỹ sẽ dẫn tới leo thang căng thẳng quân sự và tác động tiêu cực tới an ninh trong khu vực và quốc tế. Động thái xác nhận rằng, Mỹ thực sự tìm cách loại bỏ các giới hạn nhằm phát triển tên lửa tân tiến và đảm bảo độc chiếm ưu thế quân sự khi rút khỏi INF".
Theo báo RT, tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc có cùng quan điểm với phía Nga về sự việc. Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho hay, Moscow lấy làm tiếc về vụ thử tên lửa hành trình Tomawak bằng bệ phóng Mk41 mới nhất của Washington.
Ông Ryabkov cáo buộc, động thái diễn ra chỉ 16 ngày sau khi INF chấm dứt ám chỉ Washington từ lâu đã âm thầm tiến hành phát triển các hệ thống vũ khí liên quan cũng như thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi phạm hiệp ước lúc vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ cũng như không triển khai tên lửa trừ khi Washington làm việc đó trước.
Tuấn Anh