Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, ông Biden dự kiến sẽ gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 21/5, trong chuyến công du châu Á kéo dài 3 ngày, diễn ra ngay sau khi ông Yoon tuyên thệ nhậm chức hôm 10/5.
Ông Biden sau đó sẽ đến Nhật vào ngày 22/5 và hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio trước khi dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm an ninh Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ) tại Tokyo.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 5/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, ông Biden sẽ thảo luận với những người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc và Nhật về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
"Các lãnh đạo cũng sẽ bàn về những cơ hội làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ an ninh quan trọng của chúng tôi, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác chặt chẽ để mang tới các kết quả thiết thực", trích một tuyên bố của Nhà Trắng.
Reuters dẫn lời bà Psaki nói thêm, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine dự kiến cũng là những chủ đề chính trong các cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Mỹ với các nguyên thủ Hàn Quốc, Nhật và Bộ tứ.
Giới quan sát đánh giá, ông Biden quyết định công du châu Á vào một thời điểm then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống, khi ông tìm cách đoàn kết các đồng minh của Washington về phản ứng cứng rắn với Nga. Theo các quan chức Nhà Trắng, chuyến đi cũng nhấn mạnh cam kết của ông Biden đối với khu vực ngay cả khi thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo các quan chức Nhà Trắng, chính quyền Biden ngạc nhiên và hài lòng về sự sẵn sàng tham gia các cơ chế trừng phạt quốc tế nhằm vào nền kinh tế Nga của các đồng minh then chốt của Mỹ tại châu Á như Nhật và Hàn Quốc. Tokyo và Seoul cũng đã chuyển hướng một số nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của họ sang châu Âu khi châu lục này đang tìm cách giảm bớt dần sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Tuấn Anh