Nhà chức trách Ukraine hồi tháng 3 từng buộc tội quân Nga nã đạn pháo nguy hiểm gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của nước này, khi các lực lượng Moscow giành quyền kiểm soát cơ sở ngay trong tuần đầu tiên của chiến sự bùng phát ngày 24/2.
Theo Reuters, phát biểu trước báo giới sau các cuộc đàm phán tại Liên Hợp Quốc ở New York về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân hôm 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: "Washington quan ngại sâu sắc rằng Moscow đang sử dụng nhà máy Zaporizhzhia như một căn cứ quân sự và nhắm bắn vào các lực lượng Ukraine từ các địa điểm xung quanh nó. Tất nhiên, người Ukraine không thể bắn trả vì sợ sẽ xảy ra một tai nạn khủng khiếp liên quan đến nhà máy hạt nhân".
Ông Blinken cáo buộc Moscow đang dùng nhà máy Zaporizhzhia như "lá chắn hạt nhân" trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngược lại, phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc của ông Blinken. Các đại diện của Moscow nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng, các hành động của lực lượng vũ trang Nga không làm suy yếu an ninh hạt nhân của Ukraine hoặc cản trở hoạt động bình thường của nhà máy điện hạt nhân".
Phái bộ Nga giải thích, mục đích duy nhất của việc quân Nga tiếp quản Zaporizhzhia là nhằm "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tin, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan chuyên trách giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cần được phép tiếp cận nhà máy.
"Mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt nhưng không hành động gì là vô lương tâm. Nếu một tai nạn xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, chúng ta sẽ không thể đổ lỗi cho thảm họa thiên nhiên nào. Chúng ta sẽ chỉ có thể tự chất vấn chính mình", Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói.
Tuấn Anh
Theo giới chức Ukraine, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang gặp sự cố hỏa hoạn sau khi bị lực lượng Nga bao vây.