Đây là kết quả của phiên toà kéo dài 10 tuần, bắt đầu từ năm 2023 bắt nguồn từ vụ kiện năm 2020 do Bộ Tư pháp (DOJ) và một số tiểu bang đệ trình.
"Google là một công ty độc quyền và đã hành động để duy trì thế độc quyền của mình", trích phán quyết của thẩm phán liên bang. Cụ thể, gã khổng lồ tìm kiếm đã "vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman".
Với việc bị kết án, Google sẽ bị yêu cầu thay đổi cách thức hoạt động hoặc thậm chí phải bán một số bộ phận kinh doanh thuộc công ty.
Phía nguyên đơn đã cáo buộc Google có những hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm, chẳng hạn như trả cho Apple, Samsung và Mozilla hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Theo ước tính của DOJ, với cách thức này, Google đã dễ dàng chiếm 90% thị phần tìm kiếm trên website, và được coi là hưởng lợi về cả doanh thu và thu thập dữ liệu.
“Google nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi ngày thông qua các điểm truy cập mặc định đó. Họ thu thập khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ từ các tìm kiếm như vậy và sau đó sử dụng chúng để cải thiện chất lượng truy vấn”, thẩm phán liên bang cho hay.
Trong khi đó, phản hồi về phán quyết của toà, đại diện Google cho hay, họ “đánh giá cao phán quyết của toà rằng Google là công cụ tìm kiếm chất lượng hàng đầu”; đồng thời khẳng định công ty sẽ có kế hoạch kháng cáo.
DOJ cũng kiện Google độc quyền với các quảng cáo xuất hiện trong kết quả truy vấn. Họ cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đã “thổi giá” quảng cáo vượt giá thành trên thị trường tự do.
Về nội dung này, toà án đồng ý rằng "Google đã thực hiện quyền lực độc quyền của mình bằng cách tính giá siêu cạnh tranh cho các quảng cáo văn bản tìm kiếm chung. Hành vi đó đã cho phép Google kiếm được lợi nhuận độc quyền." Tuy nhiên, thẩm phán cho biết Google không nắm giữ quyền lực độc quyền với thị trường quảng cáo tìm kiếm.
Google và DOJ sẽ trở lại tòa án liên bang vào tháng 9 về một vụ kiện khác liên quan công nghệ quảng cáo.
(Theo Engadget)