Trong cuộc họp báo sau khi ký kết thỏa thuận an ninh với Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Biden tuyên bố việc Mỹ và nhiều quốc gia khác có động thái như vậy là nhằm “giúp Kiev có thể tự bảo vệ bản thân ở thời điểm hiện tại, cũng như ngăn ngừa các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai”.

“Mỹ sẽ giúp Ukraine đảm bảo cả hai điều trên, không phải với việc điều binh sĩ Mỹ tới tham chiến, mà bằng việc cung cấp vũ khí và đạn dược, mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện binh sĩ Ukraine”, CNN dẫn lời ông Biden phát biểu.

Zelensky 1.jpeg
Ông Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Biden hôm 13/6 bên lề Hội nghị G7 tại Italia. Ảnh: President.gov.ua

Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev và Washington đã ký kết bản thỏa thuận “mạnh mẽ nhất” từ trước tới nay.

“Triết lý thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Mỹ về cơ bản là triết lý của khối quân sự NATO. Mỹ ủng hộ tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong NATO, và thừa nhận thỏa thuận an ninh của chúng tôi là một cầu nối cho tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”, ông Zelensky nói sau lễ ký thỏa thuận an ninh.

NATO đề xuất gửi 40 tỷ Euro/năm cho Kiev

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên của khối quân sự này tại Brussels, Bỉ nói rằng, mức viện trợ quân sự NATO dành cho Ukraine nên giữ ít nhất ở mức 40 tỷ USD/năm.

“Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các quốc gia trong khối đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev khoảng 40 tỷ Euro/năm. Tôi đề xuất chúng ta duy trì sự hỗ trợ này ở mức tối thiểu, và các quốc gia trong NATO sẽ chia sẻ gánh nặng này một cách công bằng”, tờ Ukrinform dẫn lời ông Stoltenberg nói.

Ngoài ra, ông Stoltenberg trong cuộc họp cũng nêu tiến trình Ukraine trở thành một phần NATO, bao gồm chuyển đổi các lĩnh vực quốc phòng và an ninh Ukraine hiện nay phù hợp với tiêu chuẩn của khối, cũng như cải thiện việc mua sắm và củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của Kiev.