Một số hãng thông tấn quốc tế, bao gồm cả tạp chí Financial Times gần đây đưa tin, Mỹ dự định dừng mọi đơn đặt hàng về tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot đến khi Ukraine có đủ trang thiết bị để tự vệ trước các cuộc không kích của Nga.
Ba Lan, Romania, Đức và Tây Ban Nha nằm trong số các quốc gia châu Âu đã đặt hàng Mỹ cung ứng tên lửa cho hệ thống Patriot. Các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã đặt mua tổng cộng tới 1.000 tên lửa Patriot từ Mỹ.
Báo Pravda dẫn lời John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ hôm 20/6 xác nhận, Washington đã đưa ra một "quyết định khó khăn nhưng cần thiết" để sắp xếp lại việc chuyển giao các khí tài theo kế hoạch cho các nước đối tác để ưu tiên Ukraine. Trong số các khí tài ông Kirby nhắc đến có “các tên lửa phòng không Patriot và NASAMS”.
Ông Putin nói Nga có thể vũ trang cho Triều Tiên
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này có quyền cung cấp khí tài cho các đồng minh, kể cả gửi vũ khí tầm xa cho Triều Tiên sau khi phương Tây tuyên bố có thể trang bị vũ khí cho Ukraine mà không bị trừng phạt.
Theo đài RT, ông Putin có phát biểu trên khi được hỏi về tuyên bố trước đây của ông rằng Moscow có thể cung cấp tên lửa cho các đối thủ của phương Tây nhằm đáp trả việc Mỹ và các đồng minh bật đèn xanh cho quân Kiev dùng khí tài viện trợ tập kích sâu vào trong lãnh thổ Nga.
Lãnh đạo Điện Kremlin cũng lưu ý, Moscow đang cân nhắc sửa đổi học thuyết về sử dụng vũ khí nguyên tử trong bối cảnh phương Tây dường như đang nghiên cứu các loại vũ khí hiệu suất thấp để hạ ngưỡng hạt nhân.
“Chúng tôi không cần ra đòn tấn công trước, bởi vì sự đáp trả của chúng tôi sẽ đảm bảo tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”, ông Putin nói.