Hãng Reuters đưa tin, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục gây sức ép với Moscow để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ hai.
Nga đáp trả, cáo buộc phương Tây biến những vấn đề trong chương trình nghị sự của hội nghị thành hài kịch và nói rằng các phái đoàn phương Tây muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Moscow.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt xung đột và rút quân khỏi Ukraine vì hòa bình quốc tế và ổn định kinh tế". Phát biểu của ông Blinken nhận được sự ủng hộ của đại diện Đức, Pháp và Hà Lan.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đã gây tổn hại cho hầu hết mỗi quốc gia trên hành tinh này, về lương thực, năng lượng và lạm phát. "G20 phải phản ứng kiên quyết, giống như những gì đã diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Bali", Ngoại trưởng Pháp đề cập tới cuộc họp ở Indonesia hồi tháng 11/2022.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng chính phương Tây đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu. "Một số phái đoàn phương Tây đã biến các việc trong chương trình nghị sự thành trò hề, họ muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Nga... Phương Tây tạo ra những trở ngại cho việc xuất khẩu nông sản của Nga, bất kể các đại diện của EU thuyết phục như thế nào".
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc phương Tây chôn vùi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, vốn tạo điều kiện cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng ở phía nam nước này.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi ngoại trưởng các nước tìm tiếng nói chung về các vấn đề toàn cầu. "Các bạn gặp nhau vào thời điểm toàn cầu chia rẽ sâu sắc. Chúng ta không nên để các vấn đề mà chúng ta không thể cùng nhau giải quyết cản trở những vấn đề chúng ta cần làm".
Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch của G20 năm nay, đã từ chối đổ lỗi cho Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này.