“Nhiều quốc gia phương Tây đang tìm cách thiết lập một cơ chế giám sát đặc biệt, nhằm ngăn chặn những vũ khí viện trợ cho Ukraine sẽ có điểm đến cuối là các chợ đen ở châu Âu”, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên nói hôm 12/7.
“Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Mỹ và các nước đồng minh đã viện trợ cho Kiev lượng hàng quân sự có trị giá 10 tỷ USD. Những chuyến hàng này gồm một lượng lớn vũ khí cầm tay cùng nhiều loại tên lửa chống tăng và phòng không. Tất cả những vũ khí này sẽ được chuyển tới khu vực miền nam Ba Lan, sau đó đưa đến biên giới rồi chia nhỏ sang các phương tiện như xe tải, xe bán tải hay đôi khi là xe con”, vị quan chức này nói thêm.
“Việc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn chính quyền Kiev cung cấp chi tiết về những lô vũ khí là vì khi những khí tài này chuyển được sang các phương tiện dân sự, thì chúng tôi không biết chúng sẽ được chuyển tới đâu, liệu đã được sử dụng hay chưa, hay thậm chí các vũ khí liệu này còn ở trong lãnh thổ Ukraine. Theo cơ quan hành pháp châu Âu, một số loại vũ khí đã được tuồn khỏi Ukraine và quay trở lại châu Âu”, vị quan chức nhấn mạnh.
Theo Financial Times, giới chức Ukraine từng lên tiếng bác bỏ việc nước này đã trở thành một ‘ổ buôn lậu vũ khí’. “Tất cả những động thái vận chuyển vũ khí vào và ra khỏi Ukraine đều được giám sát chặt chẽ bởi chúng tôi và các đối tác quốc tế”, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Yuriy Sak nói.
Đài RT của Nga nhận định, những lo ngại của giới chức Mỹ và NATO về dòng chảy vũ khí viện trợ cho chính quyền Kiev hoàn toàn có cơ sở, khi nhóm phóng viên của kênh thông tấn này gần đây đã có bài phóng sự về nạn buôn lậu khí tài phương Tây ở Ukraine.