500 triệu USD trong gói sẽ dành cho pháo phản lực HIMARS, đạn của hệ thống Patriot, NASAMS, đạn pháo và đạn cho các vũ khí hạng nhẹ. Giới chức Mỹ cho biết, số vũ khí và thiết bị này sẽ được phân bổ từ kho của quân đội Mỹ. 2,1 tỷ USD còn lại sẽ được phân bổ vào quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, để mua các loại đạn, radar và vũ khí trong tương lai.
Gói viện trợ quân sự mới này còn bao gồm các hệ thống chống tăng TOW và Javeline, súng phóng lựu, radar phòng không, xe tải, phương tiện quân sự với pháo tự động 30mm, cầu bọc thép và thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh.
“Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine để đáp ứng nhu cầu trước mắt của Kiev và các yêu cầu hỗ trợ an ninh dài hạn”, Lầu Năm Góc thông báo hôm 4/4.
Liên quan đến gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết, Moscow coi quyết định phân bổ gói viện trợ quân sự mới cho Kiev là “bước đi leo thang xung đột và kêu gọi Washington suy nghĩ về những nguy cơ tiềm ẩn”.
“Mỹ có ý định kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine càng lâu càng tốt. Quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev là bước tiến tới sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine và gia tăng số lượng dân thường thương vong”, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho hay.
Hungary nói về kế hoạch giải quyết xung đột ở Ukraine của Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, kế hoạch của Trung Quốc giải quyết vấn đề Ukraine rất đáng được xem xét, nó có thể mang lại hòa bình cho châu Âu.
“Chúng tôi sẽ không ngừng kêu gọi hòa bình, bất chấp thực tế là chúng tôi đang bị gây áp lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía hòa bình. Và chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán về một nền hòa bình bền vững, đảm bảo sự ổn định lâu dài”, ông Szijjarto nói.
“Chúng tôi coi kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là một sáng kiến chắc chắn đáng thảo luận, có thể một lần nữa mang lại hòa bình cho châu Âu”, ông Szijjarto nói với các nhà báo sau ngày đầu tiên của cuộc họp Ngoại trưởng các nước NATO hôm 4/4.