Loại na "siêu to khổng lồ", giá gần 1 triệu đồng/quả
Xuất hiện tại Hà Nội chưa lâu nhưng quả na dai của Đài Loan, Trung Quốc được dân sành ăn vô cùng ưa thích. Đánh trúng thị hiếu thích dùng hàng độc, lạ của người tiêu dùng, các cửa hàng trái cây nhập khẩu đã nhập loại na khổng lồ này về bán. Không chỉ có vị ngọt và hương thơm đặc biệt mà loại trái cây này còn to gấp 3-4 lần na Việt Nam nên được nhiều người tò mò mua về ăn thử.
Khác với na trồng ở Việt Nam, loại na này có hình trái tim, quả to bắt mắt. Vỏ na mỏng, màu xanh nhạt, khi chín có màu trắng sữa, thịt nhiều và rất ít hạt. Trung bình mỗi quả có trọng lượng từ 0,6-1,5kg. Đây được xem là loại trái cây đắt đỏ, giá gần 1 triệu/quả, Pháp luật và Bạn đọc cho hay.
Loại mít lạ chỉ bé bằng nắm tay giá cao gấp 5 lần mít Thái
Mít Thái được bán tại chợ với giá chỉ từ 10.000 đồng/kg. Gần đây, thị trường xuất hiện loại mít khá lạ. Báo Dân Việt cho biết, loại mít này có lá như lá mít, mùi thơm như mùi mít, vỏ chi chít gai, múi vàng ươm như những quả mít thông thường, loại mít này chỉ nhỏ bằng nắm tay người lớn nhưng có giá bán cao gấp 5 lần mít Thái.
Đây là loại mít rừng. Mít rừng không ngọt như các loại mít thông thường, thậm chí có quả chua như chanh. Mỗi quả mít rừng chỉ nặng từ 0,3-0,7kg, có quả bé hơn cả quả mít tố nữ. Loại mít “tí hon” này đang được bán với giá 55.000 đồng/kg tại Hà Nội.
Làm mưa nhân tạo, lão nông nuôi loài cá quý hiếm
Ông Lý Văn Bon (ở Cồn Sơn, Cần Thơ) vốn là cán bộ hải quan. 22 năm trước, ông xin nghỉ việc, ra giữa dòng sông Hậu lập bè nuôi cá. Mỗi năm, ông tìm tòi, sưu tầm nhiều giống cá độc lạ, hiếm, để bảo tồn. Trong đó, cá chốt chuột là loài hiếm gặp. Loài cá này gần như tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên do bị đánh bắt kiểu tận diệt.
Theo ông Bon, sau 1 năm nuôi, cá chốt chuột có thể sinh sản. “Khi được cho ăn đầy đủ thì cá lên trứng. Khi trứng già, tôi tạo mưa nhân tạo để kích thích cá đẻ”, ông Bon nói.
Ông Bon chia sẻ, do cá chốt chuột thuộc loài hiếm, hình dáng, màu sắc đẹp mắt nên nhiều người chơi cá cảnh săn lùng, mua với giá từ 10.000-15.000 đồng/con. Giá cá chốt chuột thịt khoảng 400.000 đồng/kg. Cá chốt chuột có thịt chắc, dai, thơm, ngon.
Lão nông sở hữu giống tre lạ cho măng bốn mùa
Nhờ trồng giống tre lạ, một lão nông ở Cần Thơ có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. Báo Dân Trí cho biết, từng trồng vô số loại cây ăn trái nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn khiến ông Nguyễn Văn Cua (61 tuổi, quận Cái Răng, Cần Thơ) nhiều lần phải đốn bỏ. 10 năm trước, trong một lần xem thời sự, ông nghe nói ở miền Tây có trồng loại tre đặc biệt tên là tre tứ quý, cho măng quanh năm.
Sau đó, ông nhờ mua 80 nhánh tre về trồng. "Lúc mua về nhiều người bán tín bán nghi vì làm gì có loại tre nào cho măng quanh năm được, đặc biệt vào các tháng khô hạn lại càng không thể. Có người còn nói tôi khùng, bị lừa. Lòng cũng hoang mang nhưng tôi nghĩ bụng thôi đã mua rồi nên trồng thử xem sao", ông Cua cho hay. Không ngờ, chỉ ít lâu sau, giống tre lạ giúp ông Cua đổi đời. Ông canh tác măng mùa nghịch, bán giá 35.000-40.000 đồng/kg.
Tuyệt chiêu cắt tóc bằng lửa độc nhất Sài Gòn
Anh Nguyễn Trọng Giàu (ở huyện Củ Chi, TP.HCM) có biệt tài dùng bật lửa khò kết hợp với keo xịt tóc, để cắt nhiều kiểu tóc. Chia sẻ trên Báo Dân Trí, anh Giàu cho biết: "Cắt tóc bằng lửa tôi biết đến qua một video của nước ngoài, nhưng kỹ thuật cắt này là do tôi tự nghĩ ra".
Theo anh Giàu, nếu dùng bật lửa thông thường đốt trực tiếp lên tóc thì khó kiểm soát được độ cháy, gây mùi khét rất khó chịu. Để hạn chế điểm bất lợi đó, anh dùng bình keo xịt tóc kết hợp bật lửa để tạo ngọn lửa đi theo đường thẳng, đồng thời, mùi của keo sẽ lấn át mùi tóc cháy. Hiện ở Việt Nam rất ít người thợ cắt tóc bằng lửa vì không phải ai cũng thuần thục kỹ thuật cắt này. Hơn nữa, khách hàng còn e dè, phần vì sợ nguy hiểm, phần vì nghĩ lửa sẽ làm hư tóc.
"Bác sĩ sách" thu cả trăm triệu cho một "ca bệnh"
Anh Bùi Tiến Phúc, người sáng lập Hán Nôm Đường, chia sẻ trên Báo Dân Trí về tiền công để phục chế một bản sách cổ có khi là vài chục cho đến cả trăm triệu đồng. Theo anh Phúc, đó là chuyện bình thường vì những bản sách xưa, tranh ảnh được đưa đến Hán Nôm Đường hầu hết đều là những bản sách quý, gia phả hay sắc phong, là tài sản vô giá đối với một gia đình, dòng tộc, một ngôi làng… Những bản sách này đều có tuổi đời hàng trăm năm, tình trạng hư hại nặng, phải mất rất nhiều công sức để phục hồi lại nguyên vẹn như ban đầu.
Phục chế sách là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật để biết giá trị đồ vật mình phục chế; biết chữ Hán, chữ Nôm để phiên dịch nội dung trong sách để đánh giá, tìm hiểu niên đại, xuất xứ sách mà xác định vật liệu làm sách, loại mực để viết sách... Công việc này phải sử dụng nhiều loại vật liệu quý hiếm, đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài. Để có một "bác sĩ sách" ra nghề, thời gian dài học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cần rất lớn.
Danh mộc cổ thụ đặc biệt quý hiếm ở Vườn quốc gia Hoàng Liên
Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 6 quần thể danh mộc cổ thụ của vườn là cây di sản Việt Nam gồm: Đỗ Quyên cành thô, Vân Sam Fansipan, Đỗ Quyên quang trụ, Hồng Quang, Thiết Sam và Trâm Ổi.
Các nhà khoa học lâm sinh của Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết trên Báo Dân Trí, 6 quần thể danh mộc cổ thụ nêu trên được tôn vinh là cây di sản Việt Nam, đều có giá trị về khoa học, bảo tồn, văn hóa, lịch sử và mỹ quan. Vì thế, 6 quần thể danh mộc cổ thụ này đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định pháp luật.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)