Không những thu nhập hấp dẫn, ở Phần Lan đi dạy được xem như một phong cách sống đặc biệt. Giáo viên được tự chủ hoàn toàn và không bao giờ bị chỉ trích…
Hệ thống giáo dục Na Uy được chia làm 3 cấp: Barneskole (tiểu học): Lớp 1-7, từ 6-13 tuổi; Ungdomsskole (trung học cơ sở): Lớp 8-10, từ 13-16 tuổi; Videregående skole (trung học phổ thông): Lớp VG1-VG3, từ 16-19 tuổi.
Sau khi kết thúc 3 năm lớp VG1-VG3, học sinh được cấp bằng Trung học Phổ thông. Thông thường, học sinh đạt được văn bằng trong bất kỳ chương trình đào tạo trung học nào cũng đủ điều kiện để xét tuyển vào đại học.
Từ năm 1981-2018, chi tiêu dành cho giáo dục luôn dao động trong khoảng 14-17% trong tổng chi của Chính phủ Na Uy.
Giáo dục tiểu học và trung học được đặc biệt chú ý bởi đây là giai đoạn quan trọng trong việc định hình nhân cách, thái độ sống và cách đánh giá vấn đề của người học.
Phổ cập mọi “ngóc ngách”
Mọi trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi đều phải đến trường - đây là 10 năm giáo dục bắt buộc.
Đồng thời, Chính phủ luôn đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với giáo dục bằng cách tài trợ cho những khu vực kém thuận lợi hơn.
Mọi thứ miễn phí
Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là miễn phí. Ngoài ra, Na Uy còn có những khoản trợ cấp và cho vay đối với những học sinh, sinh viên gặp khó khăn về vấn đề tài chính với lãi suất 0%.
Các trường đại học công lập không thu học phí của sinh viên, ngay cả với sinh viên nước ngoài. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến Na Uy hấp dẫn đối với sinh viên nước ngoài.
Không chấm điểm, xếp hạng
Học sinh tiểu học ở Na Uy cũng được học những kiến thức cơ bản như bảng chữ cái, tập đọc, tập viết, cộng trừ nhân chia và các môn như Toán, Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Tuy vậy, điểm khác biệt là các em sẽ không phải trải qua áp lực thi cử. Thay vào đó, giáo viên sẽ đánh giá thông qua phần thể hiện của học sinh hoặc đưa ra những điểm số không chính thức phản ánh sự tiến bộ của trẻ. Chỉ phụ huynh xem được điểm này.
Na Uy không có trường chuyên, lớp chọn. Mỗi ngày học bắt đầu vào khoảng 8h15 sáng và kết thúc lúc 1h10 hoặc 1h55 chiều. Ngoài ra, có 3 thời gian giải lao trong ngày gồm giờ ăn trưa và hai khoảng nghỉ.
Đời sống học đường phong phú
Một trong những yếu tố giúp người dân Na Uy đạt được hạnh phúc là bởi họ hài lòng và hòa mình với thiên nhiên xung quanh. Điều này cũng được áp dụng trong giáo dục trẻ nhỏ.
Ngay từ nhỏ, các em đã được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời để có sức khỏe tốt và gia tăng nhận thức về thiên nhiên. Các gia đình Na Uy chỉ giới hạn 1 ô tô và học sinh hầu như luôn sử dụng phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường.
Đối với sinh viên, cuộc sống cũng rất phong phú. Sinh viên vẫn có thể đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm (tối đa 20 giờ/tuần).
Hoạt động nghiên cứu học thuật được kết hợp với trải nghiệm ngoài trời. Với những cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã, sinh viên sẽ có những trải nghiệm thú vị, có một không hai như khám phá vẻ đẹp Bắc Cực Quang.
Tỷ lệ "có học" cao nhất thế giới
Tỷ lệ đăng ký học đại học ở Na Uy là 76,12%, chỉ thấp hơn khu vực Bắc Mỹ là 84%, và cao hơn nhiều lần các khu vực khác (châu Phi cận Sahara: 8,6%, Nam Á 20,8%, Các quốc gia Ả Rập 36,4%, Đông Á 36,5%, châu Mỹ Latinh: 43,3%, cChâu Âu và Trung Á: 62%).
Trong khi đó, tỷ lệ biết chữ ở Na Uy đạt 100%, cao nhất thế giới khi so sánh với số liệu trung bình ở các khu vực khác (châu Phi cận Sahara: 65,3%, Nam Á: 72,9%, Các quốc gia Ả Rập 79,4%, châu Mỹ Latinh 93,7%, Đông Á 95,8%, châu Âu và Trung Á 98,5%).
Bảo Huy (Theo Kevmrc, Life in Norway)
Không những thu nhập hấp dẫn, ở Phần Lan đi dạy được xem như một phong cách sống đặc biệt. Giáo viên được tự chủ hoàn toàn và không bao giờ bị chỉ trích…