Nhiếp ảnh gia HaiLe Cao chia sẻ với độc giả VietNamNet về hành trình không hề đơn giản chinh phục cung Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái) ngày 18 - 21/11 vừa qua. Với đỉnh cao nhất 2865m, Tà Xùa là một trong những đỉnh cao nhất Việt Nam.
Tôi đã trải qua cung đường trekking 15 km kéo dài 3 ngày 2 đêm. Cung đường dài nhưng không hề nhàm chán khi địa hình thay đổi liên tục, mang tới sự phấn khích cho người khám phá. Cảnh quan trên các ngọn núi thay đổi theo thời tiết, nhiều đoạn tạo nên cảnh quan huyền ảo ngoài sức tưởng tượng.
Tôi đã choáng ngợp với cảnh sắc nơi đây. Tà Xùa mang trong mình một vẻ đẹp đa dạng, ấn tượng và ma mị. Cung đường tuyệt đẹp này có 3 điểm nhấn: Biển mây lơ lửng bất tận - Rừng rêu ma mị - Sống khủng long cheo leo, kì vĩ."
Hành trình di chuyển từ Hải Phòng đến Yên Bái
Tôi di chuyển tự túc cùng một người bạn từ Hải Phòng đến Tà Xùa. Do đi lại trong thời điểm mùa dịch nên chúng tôi phải đảm bảo đủ các điều kiện về phòng chống Covid-19 như: đi từ vùng nguy cơ thấp, tiêm hai mũi vắc-xin đủ 14 ngày. Tôi cẩn trọng hơn nên đã đi test PCR trước chuyến đi. Chúng tôi cũng khai báo y tế đầy đủ qua tổng cộng 3 chốt phòng dịch.
Sáng ngày 18/11, tôi bắt xe Limousine để di chuyển từ Hải Phòng đi Hà Nội với mức giá 220.000 đồng/người/chiều. Đến bến xe Mỹ Đình, tôi bắt xe từ đây đi Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đây vốn là nhà xe chuyên cung cấp xe giường nằm nhưng do mùa dịch không có nhiều khách, họ chuyển sang loại xe chở khách 7 chỗ với giá 500.000 đồng/người/chiều.
Chúng tôi mất khoảng 5 tiếng để đến Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tại đây chúng tôi bắt xe khách nội tỉnh lên Trạm Tấu với chi phí 50.000 đồng/người. Xe hơi cà tàng, cũ kĩ nhưng thoáng mát, lái xe và hành khách cùng chuyến đều rất thân thiện, mộc mạc, nhiệt tình với du khách. Với tôi, di chuyển bằng phương tiện này là trải nghiệm khá thú vị.
Đến ngã ba Trạm Tấu, tôi và bạn đồng hành xuống xe. Từ đây, các bạn hướng dẫn viên bản địa đón chúng tôi bằng xe máy về homestay nghỉ ngơi một đêm, lấy sức chuẩn bị leo núi.
Hành trình 3 ngày 2 đêm trải nghiệm cung đường những giấc mơ
Tôi chia hành trình thành 5 mốc quan trọng để mọi người dễ hình dung hơn.
Mốc 1: Khoảng 3,5km, nối từ chân dốc đến Lán Cây táo
Trong đoạn đường đầu tiên, những con dốc đều khá dài, có độ dốc tăng dần nên nếu không có kinh nghiệm, thể lực tốt, du khách sẽ mệt bở hơi tai. Tôi mất khoảng 30 phút để quen với kiểu địa hình này.
Đoạn đường này có nhiều cây cối che bên đường nên không nắng, khá thoáng mát. Theo quan sát của tôi, cung đường này không có cảnh đẹp đặc sắc.
Do đoạn này toàn đường đất nên những porter chuyên nghiệp có thể đi xe máy lên tới Lán Cây Táo. Nếu không muốn leo, bạn có thể thuê họ chở đồ và người với giá 600.000 đồng/lượt. Bản thân tôi thì thấy không cần thiết vì theo chia sẻ của nhiều người, ngồi sau xe máy sợ thót tim, đầu óc quay cuồng, mệt hơn đi bộ.
Mốc 2: Khoảng 1km từ Lán Cây Táo đến Mỏm đá đầu rùa
Sau quãng đường 3,5km đầu tiên, tôi tới Lán Cây Táo - nơi nghỉ chân. Ở đây có nước suối mát trong, có khoảng không gian bằng phẳng để ngồi, nằm nghỉ lấy sức hoặc ăn trưa rất tiện.
Qua khỏi Lán Cây Táo, địa hình bắt đầu thay đổi với các con dốc cao sừng sững đầy đá nhọn. Chính vì vậy quãng đường tới mỏm đá đầu rùa chỉ chừng 1km nhưng đi rất tốn sức. Dọc đường đi không có cảnh đẹp ấn tượng cho đến khi chạm tới Mỏm đá đầu rùa.
Đây là điểm “sống ảo” được nhiều người yêu thích. Quả đúng như tên gọi, vách đá nhô ra khỏi mặt đất ở độ cao khoảng 2100 mét có hình dáng của một cái đầu rùa. Đứng trên mỏm đá này có thể phóng tầm nhìn rất xa chiêm ngưỡng cảnh quan núi rừng hùng vĩ. Đây thực sự là nơi lý tưởng để chụp ảnh.
Để tạo dáng ấn tượng như trong bức ảnh, NAG HaiLe Cao đã phải tập luyện, tích luỹ kĩ năng nhiều năm
Tuy nhiên, đây là mỏm đá tự nhiên nên không có hành lang bảo vệ. Khi chụp ảnh, du khách nên tìm chỗ đứng an toàn, ổn định nhất là với người sợ độ cao. Những động tác tôi thực hiện đều đã qua tập luyện, tích lũy kĩ năng nhiều năm.
Mốc 3: Khoảng 2,5 km từ Mỏm đá đầu rùa - Lán 1
Từ Mỏm đá đầu rùa di chuyển lên cao, cảnh vật hiện ra ngày càng đẹp khó tả. Tôi đến đây khoảng 14 - 15h chiều nên ánh sáng bắt đầu chiếu xiên, tạo khung cảnh thơ mộng, huyền ảo. Trên đường đi xuất hiện nhiều phiến đá to, thích hợp để đứng lên tạo dáng chụp ảnh, view tại đây thì xứng đáng “triệu đô”.
Khung cảnh cực kì ấn tượng tại quãng đường 2,5 km từ Mỏm đá đầu rùa - Lán 1
Đoạn này quá nhiều cảnh đẹp nên chúng tôi không vội vã mà cứ từ từ trải nghiệm và thưởng thức. Khi tới Lán 1, porter nói: xem như chúng tôi đã hoàn thành nửa đường. Do muốn cắm trại giữa rừng nên tôi không nghỉ lại lán 1 mà tiếp tục di chuyển ngay.
Mốc 4: Di chuyển từ Lán 1 tới Lán 2
Điểm nhấn trong hành trình di chuyển từ Lán 1 tới Lán 2 chính là đoạn sống lưng khủng long. Tôi từng chinh phục sống lưng khủng long ở Bắc Yên, Sơn La nhưng quả thật cảnh quan ở Tà Xùa, Trạm Tấu ấn tượng hơn rất nhiều.
Đoạn sống lưng khủng long này có địa hình chính là dốc dựng đứng và đá lởm chởm - một địa hình nguy hiểm nhưng kích thích người mê du lịch hoang dã như tôi. Do khu vực này nguy hiểm nên có hệ thống cọc sắt, dây cáp chạy song song cho du khách bám vào, tăng thêm độ an toàn khi vượt dốc.
Ở đây, gió rất mạnh nên việc di chuyển càng khó khăn, có những đoạn tôi phải dùng kĩ thuật di chuyển và bám bằng cả chân và tay. Du khách nên mang theo găng tay để tăng độ bám dính và bảo vệ được bản thân khi níu cáp.
Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ cắm trại giữa sống lưng khủng long. Tuy nhiên, nhóm gặp sự cố là hết nước dự trữ. Do đó, cả nhóm phải thu dọn đồ đi thẳng tới lán 2 để nghỉ qua đêm.
Mốc 5: Di chuyển từ lán 2 lên đỉnh Tà Xùa
Chúng tôi nghỉ đêm ở Lán 2. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm đón bình minh ngay cạnh khu vực lán, ăn sáng, sửa soạn đồ để leo lên đỉnh.
Đúng 8h, cả nhóm lên đường. Địa hình từ lán lên đỉnh chủ yếu là sình lầy ẩm thấp, buổi sáng sương giăng nhiều nên càng ẩm ướt, khá bẩn.
Bình minh ở lán 2 đẹp như bức tranh
Trên cung đường này, chúng tôi băng qua khu rừng rêu phủ đầy ma mị, điểm đặc biệt của Tà Xùa. Khu rừng già Tà Xùa được giới leo núi gọi là cánh “Rừng Rêu”. Thực ra, chẳng ai biết cái tên này có tự bao giờ, chỉ biết nó nhiều rêu thì gọi là … rừng rêu. Rêu, cỏ cây sống cộng sinh trên thân gỗ, trải qua hàng vạn năm tích tụ thành những thảm thực vật hiếm có.
Cảnh đẹp hiện ra trước mắt khiến tôi kinh ngạc về sự cổ quái, huyền bí - hình ảnh mà trước nay tôi nghĩ chỉ có trong phim giả tưởng. Rêu phong bám kín trên những thân cây già làm nền cho bạn thoả sức “phiêu” giữa không gian thần bí.
Khung cảnh ấn tượng trong rừng rêu
Vượt qua khu rừng tuyệt vời, tôi đến đỉnh cao nhất của ngọn núi. Thực lòng mà nói, trải qua những cung bậc cảm xúc dọc hành trình, nhất là khu rừng rêu thì tôi thấy khu vực đỉnh Tà Xùa “khá nhạt”, không quá ấn tượng. Chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa xong là đi một mạch xuống núi, về Lán 1 nghỉ qua đêm.
Đoàn nướng gà, ăn tối tại Lán 1
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm ngắm bình minh tuyệt đẹp
Sau đó, đoàn ăn sáng rồi đi thẳng xuống chân núi nghỉ ngơi trước khi lên xe về Hà Nội.
Trên hành trình của mình, tôi ghi lại những bức ảnh để chia sẻ với mọi người với hy vọng những khung cảnh ấn tượng đó có thể tạo cảm hứng, năng lượng tích cực cho mọi người. Có những động tác tôi thực hiện khá mạo hiểm, do tôi đã tập luyện nhiều năm. Mọi người không nên bắt chước theo tôi khi không có đủ kỹ năng và sự tập luyện.
Xem thêm những bức ảnh ấn tượng của NAG HaiLe Cao trong hành trình chinh phục 'Cung đường của những giấc mơ - Tà Xùa'
Giữa núi rừng như cổ tích
Cung đường khiến du khách đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác
NAG HaiLe Cao (Chia sẻ trong nhóm Sinh ra để hoang dã)