Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2023, năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 4 xã thoát khỏi diện ĐBKK.
Tổng vốn thực hiện Chương trình để triển khai 10 dự án thành phần là gần 635 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, trong năm 2023, Bắc Giang sẽ hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở; 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề; 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Đồng thời hoàn thành 30 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 3 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản ĐBKK; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 7 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; bảo tồn 4 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS; 62 thiết chế văn hóa, thể thao;...
Bắc Giang là tỉnh miền núi bao gồm 9 huyện và 01 thành phố, dân số trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc thiểu số chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang gồm 73 xã thuộc 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.
Năm 2022, với tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là trên 299 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương; vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh; vốn tín dụng; vốn ngân sách huyện, xã và vốn huy động khác thực hiện toàn bộ 10 dự án thành phần.
Đến hết năm 2022, khối lượng thực hiện cả 10 dự án đến ước đạt 80% kế hoạch, giải ngân đạt 46,49 % kế hoạch. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Thông qua thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc khác đã góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, đặc biệt là các xã ĐBKK.
Tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng DTTS và miền núi năm 2022 giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó cá biệt có những xã giảm nghèo đến hơn 10%);
Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng DTTS và miền núi được nâng lên.