Thông tin đưa ra tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức mới đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2023, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, Bình Định đã hình thành hệ thống chỉ số kinh tế - xã hội và dựa vào chỉ số để chỉ đạo, điều hành. Đáng chú ý, khi điều hành bằng chỉ số, cả hệ thống chính trị có sự điều chỉnh, cấp ủy đảng từ tỉnh đến xã vào cuộc, đồng hành cùng UBND các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, có nhiều chỉ số kinh tế của tỉnh có sự đột phá, nhất là chỉ số quy mô nền kinh tế, chỉ số này cần tiếp tục giữ vững và nâng lên trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số ngành nông nghiệp của tỉnh đang ở top đầu cả nước. Đồng thời trong năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư, từ đó đã có sức lan tỏa, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến Bình Định.
Có 18/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt kế hoạch
Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Có 18/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế được hội đồng nhân dân tỉnh giao thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư hoàn thiện, xây dựng, mở rộng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định, có mặt được cải thiện.
Công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ban, ngành, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý, sử dụng biên chế; thực hiện tinh giản biên chế.
Trong năm, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.702/1.737 cán bộ, công chức cấp xã (đạt 97,98% trong tổng số cán bộ, công chức được triệu tập).
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát từng lĩnh vực chức danh cán bộ, công chức cấp xã; đã cập nhật những kiến thức mới và bổ sung những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết công việc ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ giải quyết các công việc, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Tỉnh Bình Định cũng tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đột phá cải cách hành chính
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… gặp nhiều khó khăn; chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp (IIP)... chưa đạt kế hoạch cả năm; công tác cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của một số đơn vị còn tồn tại một số hạn chế, vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, công tác cải cách thủ tục hành chính, đạo đức công vụ, thực thi công vụ có chuyển biến nhưng chưa đột phá. Nhất là các cấp ở dưới, cách giải quyết công việc còn chưa linh hoạt, cứng nhắc, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đâu đó ở cấp chuyên viên, một số giám đốc sở, lãnh đạo sở, một số địa phương vẫn đang còn cứng nhắc và chưa linh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, định hướng năm 2024, tỉnh Bình Định đã xác định rõ tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%. Các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ, sớm đưa vào hoạt động các dự án đã thu hút đầu tư trong năm 2023, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi, phấn đấu thu hút khoảng 100 dự án đầu tư trong năm 2024.
Đối với ngành nông nghiệp, tập trung triển khai các dự án chế biến nông lâm thuỷ sản đã thu hút trong năm 2023 và thu hút thêm một số dự án mới đối với lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt chống khai thác IUU.
Đối với phát triển du lịch, phải tập trung phát triển, thu hút du khách quốc tế đến với tỉnh dựa trên các sự kiện thể thao quốc tế, các cuộc đua, triển lãm đã có kế hoạch tổ chức trong năm 2024…
Một nhiệm vụ trọng tâm khác nữa là tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, chống lấn chiếm đất đai, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; trong đó, việc chuyển đổi số phải thể hiện rõ bằng những công việc thực tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, năm 2024, tỉnh tập trung đột phá về cải cách hành chính, đạo đức công vụ và sắp xếp vị trí việc làm theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Tỉnh củng cố lại đạo đức công vụ, sẽ xây dựng lại vị trí việc làm, tổng rà soát sắp xếp vị trí việc làm lại từ dưới xã lên đến tỉnh, xong thì bố trí người vào vị trí, nếu không được thì đào tạo cho phù hợp nhưng phải làm đúng đề án vị trí việc làm mà Bội Nội vụ quy định và các bộ ngành liên quan đã xây dựng.
Tỉnh sẽ xây dựng một kế hoạch tự kiểm tra đạo đức công vụ, tự thực thi đạo đức công vụ từ cấp xã trở lên; từ quý 2/2024 trở đi thì tỉnh thành lập các tổ kiểm tra để bắt buộc chúng ta phải thực thi đúng, cán bộ công chức phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Nhiệm vụ năm 2024, UBND tỉnh cho hay tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7,5% - 8%. Trong đó, tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế…
Diễm Phúc – N.Hiền