Ngày 02/08/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã hình thành, tác động hiệu quả tới hoạt động sản xuất, đưa nông thôn mới thông minh đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả và bền vững.

Trong định hướng xây dựng nông thôn hiện đại tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đưa giải pháp chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Trong thời gian qua, huyện Mộc Châu, Sơn La đã phát động phong trào “Mộc Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” được cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong toàn huyện quan tâm, tích cực hưởng ứng, từ đó trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp, lan tỏa trên địa bàn huyện Mộc Châu với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. 

Đến nay, toàn huyện có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

W-375204428-1025479895332878-3015822049633397787-n-1.jpg
Nông dân tại huyện Mộc Châu, Sơn La xây dựng nhật ký canh nông qua thiết bị thông minh.  

Trước đây, người nông dân tại Hợp tác xã rau an toàn Mộc Châu phải canh tác thủ công từ khâu làm đất, chăm sóc, tưới tắm cho cây thì hiện nay họ đã ứng dụng công nghệ tự động vào làm đất, tưới cây. Nhật ký canh tác bón phân, phun thuốc trừ sâu đều được ghi chép rõ ràng qua ứng dụng nhật ký sản xuất. 

Nhật ký sản xuất hay còn gọi là nhật ký đồng ruộng, nhật ký canh tác là “cuốn” nhật ký người làm ghi chép lại các hoạt đồng trồng trọt của mình. Người nông dân không cần viết tay mà họ chỉ cần mang điện thoại thông minh hoặc máy tính ra vườn, trang trại là có thể ghi lại hết các thông tin và cập nhật theo dõi nó hằng ngày hình thành nên hồ sơ sản phẩm.

Các dữ liệu thu nhập là dữ liệu số, tạo ra quy trình số hóa cây trồng, vật nuôi. Người nông dân tham gia trực tiếp vào quy trình số hóa đó. Thông qua hoạt động này nhiều trang trại đã quản lý, giám sát vận hành hiệu quả.

Những người nông dân như chị Nguyễn Thị May – Hợp tác xã rau an toàn huyện Mộc Châu, hiện tại ra ruộng không còn mang cuốc, cào hay thùng tưới nước mà chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là đủ. Trước đây quy trình trồng trọt đều ghi chép bằng tay nhưng hiện tại người nông dân ghi lại trên thiết bị điện tử thông minh. Tưới cây cũng được đầu tư hệ thống giàn tưới thông minh, bấm nút công tắc là toàn bộ khu vườn được tưới nước, tiết kiệm 4, 5 nhân công lao động.

Với “cuốn” nhật ký canh nông, chị May ghi chú lại các chi tiết ngày trồng, quá trình canh tác, thời gian phù hợp bón phân, từng loại cây trồng, truy lại thông tin rất rành mạch, rõ ràng. Nhờ đó, chị May tiết kiệm thời gian lao động. Việc truy suất nguồn gốc của rau quả an toàn cũng dễ hơn rất nhiều. 

Với chị May và nhiều nông dân khác, công nghệ đã biến họ trở thành nông dân thời đại số, công nghệ cũng hỗ trợ nông dân còn giúp họ phát hiện ra các loại sâu bệnh, cần bón phân nào cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Ông Trần Xuân Thành – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mộc Châu đánh giá, ứng dụng công nghệ, số hóa trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước mang lại giá trị nông nghiệp công nghệ cao cho huyện. 

Người dân Mộc Châu đã chủ động đầu tư công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, sử dụng phần mềm, thiết bị thông minh để quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Huyện Mộc Châu đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đối số đặc biệt trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là 1 trong 5 chương trình chuyên đề được UBND huyện quan tâm bắt tay nghiên cứu thực hiện các nội dung phù hợp.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nông thôn mới đưa Mộc Châu trở thành miền quê đáng sống.

Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động các tổ chuyển đổi số cộng đồng, thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.

Những thành công tại Mộc Châu càng khẳng định chủ trương ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là chính xác. Người nông dân hiện đại không thể tách rời xu hướng phát triển của thời đại, phải biết nắm bắt cơ hội, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, chủ động trong tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV