Vùng đất ‘đậm đặc’ di tích, di sản
Nam Định nằm ở nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là vùng đất hình thành sớm, cùng với quá trình biển lùi. Là vùng đất nghìn năm văn hiến. Đây cũng là nơi phát tích của Vương triều Trần, nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa của Việt Nam.
Ở khắp các miền quê trong tỉnh đều dày đặc công trình tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh, những phong tục tập quán, văn hóa dân gian cổ truyền, làng nghề truyền thống. Đặc biệt, với khoảng 400 điểm thờ thánh Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12/2016....
Theo số liệu kiểm kê của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh có 1.359 di tích, đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 307 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 963 di tích nằm trong danh mục kiểm kê.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên chúa giáo; trên 3.000 từ đường dòng họ; gần 100 làng nghề truyền thống; 4 nhóm bảo vật quốc gia, hơn 25 nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu giữ, trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
Cùng với đó là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm các lễ hội: Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Đại Bi, Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá, Đền - Chùa Linh Quang, nghệ thuật ca trù, nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, nghề sơn mài Cát Đằng cùng nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước, rối cạn, cà kheo, múa lân - sư - rồng, nhạc kèn, trống hội…
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở
Để góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” và 22 văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Trên tinh thần đổi mới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã góp phần tôn tạo và gìn giữ bản sắc riêng của du lịch Nam Định trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được Nam Định xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, triển khai nhiều phong trào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở.
Nhiều nơi đã xây dựng hương ước, quy ước nhằm giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức truyền thống, tích cực xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện hơn 1.500 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt góp phần đổi mới ở nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận số 51-KL/TW, của Bộ Chính trị khóa X, đã được đưa vào quy ước, hương ước làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa, trở thành một tiêu chí trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa.
Quyết tâm cao từ cấp tỉnh đến cấp thôn, Nam Định đồng lòng bắt tay xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 47 nhà văn hóa cấp xã, 855 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với kinh phí trung bình từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/nhà văn hóa cấp xã, 450 triệu - 800 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Kết quả, 100% xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa.
Chú trọng công tác trùng tu, bảo tồn di sản
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, việc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trở nên cấp thiết. Hiện tại, BCH Đảng bộ tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2016 “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định”.
Tỉnh xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững cần được duy trì thường xuyên. Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và ngân sách của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trùng tu 16 di tích cấp quốc gia; hướng dẫn quy trình, thủ tục tu bổ hơn 50 di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Thực hiện Quyết định số 2095/QĐ-TTg ngày 2-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Dự án có diện tích 92,53ha gồm 3 hạng mục chính: khu công viên văn hóa Trần; khu trung tâm lễ hội; khu đệm, dịch vụ và hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng với tổng mức đầu tư trên 734 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đã chỉ đạo, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định, quan tâm việc định hướng tư tưởng, động viên, khuyến khích các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Để truyền cảm hứng sáng tác văn học, nghệ thuật phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, Nam Định còn xây dựng được giải thưởng riêng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ (giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh) với định kỳ 5 năm tổ chức một lần thu hút đông đảo sự quan tâm của giới nghệ thuật.
Trong bối cảnh hiện nay, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được bền vững và đúng cách, Nam Định không ngừng đổi mới, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hoá, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ, kiểm kê di sản, tăng thời lượng truyền thông quảng bá hình ảnh về quê hương, con người Nam Định để không ngừng nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản.
Thành Nam