Với kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, du lịch nông thôn ở Nam Định có nhiều điều kiện để phát triển, như hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các địa phương được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch hướng hiện đại. Cảnh quan môi trường các vùng quê được kiến thiết theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp” với các mô hình “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, tạo khung cảnh nông thôn đẹp mắt, hấp dẫn du khách.
Du lịch nông thôn ở Nam Định với trọng tâm du lịch cộng đồng lấy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của các vùng quê, cảnh quan sinh thái nông nghiệp để khai thác; tạo mối liên kết, bổ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch khác. Trong đó, du lịch sinh thái tại các vùng nông thôn đang là lựa chọn của nhiều du khách khi tới Nam Định.
Nằm cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 10km, Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản đang trở thành điểm đến hấp dẫn bởi không gian xanh, nhiều điểm chụp ảnh đẹp. Đây là một sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch của Nam Định.
Đến Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm, du khách có thể đạp xe quanh khu nghỉ dưỡng để thưởng thức không khí mát lành, chụp ảnh, đạp vịt bơi thuyền trên sông Ngăm... và trải nghiệm hệ thống bể bơi, ẩm thực nhà sàn với nhiều món đặc sản như thịt bê quay, bê thui…
Điểm nhấn ở Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm là loại hình du lịch giáo dục trải nghiệm được triển khai từ năm 2016 với sự kết hợp hài hòa giữa du lịch và giáo dục theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, du lịch giáo dục trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm đã đón hàng chục nghìn lượt học sinh các tỉnh, thành phố phía Bắc tham gia, đáp ứng nhu cầu của hoạt động giáo dục trải nghiệm tại địa phương và các tỉnh trong khu vực.
Hiện nay, nơi này còn tiếp tục đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như hoàn thành hệ thống cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch tỉnh Nam Định nói riêng và ngành du lịch cả nước nói chung.
Bên cạnh Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm, Nam Định còn có Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy lưu giữ những nét văn hoá độc đáo tiêu biểu cho cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với những ưu thế nổi trội để trở thành điểm trình diễn du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ hơn chục năm trước, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đã được thành lập, hoạt động theo mô hình cộng đồng cùng nhau xây dựng và phát triển.
Tơi đây, khách du lịch được ăn, nghỉ ngay trong nhà dân và được trải nghiệm tham gia vào những hoạt động: tắm biển, ẩm thực đồng quê, ngắm các loài chim di cư; du khảo đồng quê với tour xe đạp khoảng 5km. Đồng thời trải nghiệm du lịch văn hóa với nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ hội truyền thống như: giao lưu văn nghệ truyền thống, hát chèo, bơi chải; tham gia các hoạt động làm muối, thăm nhà bổi, nhà cổ, bến cá, làm nước mắm…
Năm 2022, du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân được UBND tỉnh cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh 2 sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng, Nam Định còn có các sản phẩm du lịch đang dần hình thành; trong đó các chương trình du lịch gắn với lễ hội đã dần đi vào nề nếp như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy… đã tạo nên nét độc đáo của sản phẩm du lịch văn hoá ngày càng thu hút nhiều du khách. Các khu du lịch biển cũng nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giữ gìn cảnh quan môi trường, trở thành điểm du lịch biển được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ mát, tắm biển.
Ngoài ra, tỉnh cũng hình thành các tuyến du lịch dựa trên chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình… Các tuyến du lịch về văn hoá, sinh thái bước đầu hình thành thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê, năm 2022, doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh Nam Định đạt khoảng 330 tỷ đồng. Có thể nói, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm nhiều cơ hội phát huy lợi thế, khai thác thế mạnh phát triển du lịch.
Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng liên kết vùng. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch.
Đồng thời xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương để hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt hướng đến đối tượng du khách có khả năng chi tiêu lớn.
Cùng với đó, tập trung khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử, lễ hội của các làng nghề truyền thống để tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch chiều sâu theo hướng trải nghiệm. Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường….