Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả công bố, điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của Nam Định đạt 86,40, tăng 3,83 điểm%, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020.
Theo Bộ Nội vụ (đơn vị chủ trì đánh giá các chỉ số PAR INDEX, SIPAS), trong một năm chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 thì các kết quả đã đạt được thể hiện nỗ lực cải cách hành chính đậm nét trên nhiều lĩnh vực của Chính phủ và các địa phương.
Đặc biệt, hàng loạt rào cản, khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn lực đã được kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ và giải quyết.
Ngoài ra, kết quả trên cũng đã củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh Nam Định cho thấy, kết quả những nỗ lực tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, Chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt 84,57, tăng 2,43 điểm%, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố, giảm 1 bậc so với năm 2020. Kết quả SIPAS cho thấy, dù tăng điểm thành phần nhưng Nam Định lại tụt thứ hạng bởi sự nỗ lực chung của các địa phương khác.
Vì vậy, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh cần thẳng thắn nhận diện và nỗ lực hơn trong cải thiện các hạn chế, khuyết điểm khi thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức, tập trung vào 5 yếu tố cơ bản: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Theo thống kê, trong 10 năm qua, Chỉ số cải cách hành chính luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Thông qua Chỉ số cải cách hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.
Hạ Nhiên