Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để cụ thể hóa mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, từ đó đưa Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Kịp thời khơi thông điểm nghẽn cho nhà đầu tư
Xác định công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng nên thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Cùng với ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, ngay từ đầu năm, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng... để thu hút đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, nhằm cụ thể hóa các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn, gồm Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 các huyện, thành phố; triển khai các bước lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung triển khai lập các quy hoạch vùng liên huyện, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, đa dạng, có tính kết nối cao. Hạ tầng điện lực, viễn thông đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Để chuẩn bị đón các nhà đầu tư, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp lớn như Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh, tháo gỡ những vướng mắc ở Khu công nghiệp Mỹ Trung. Đồng thời, đã và đang hoàn thiện hạ tầng nhiều cụm công nghiệp ở các huyện như Yên Dương, Yên Bằng, Thanh Côi, Thịnh Lâm, Xuân Tiến, Đồng Côi... nhằm tạo quỹ đất sạch lớn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nguồn nhân lực của tỉnh tương đối dồi dào, với chất lượng tay nghề, tác phong công nghiệp cao, phân bổ đều ở các địa phương.
Tỉnh đã ban hành và công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư cùng một loạt chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của địa phương ngoài chính sách của Trung ương. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh đó, sau khi cấp phép đầu tư, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động sớm đưa dự án vào khai thác; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Dự kiến tỉnh sẽ huy động, bố trí khoảng 27 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước, có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh đầu tư kết nối thuận tiện hạ tầng giao thông với các cảng hàng không và cảng biển, đảm bảo năng lực vận chuyển hàng hóa và việc đi lại của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn, thuộc khu vực sản xuất có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra số thu ngân sách lớn.
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Năm 2021, qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền tỉnh Nam Định được cải thiện đáng kể, đạt 64,99 điểm, cao hơn năm trước 1,89 điểm và tăng 16 bậc; xếp thứ 24/63 tỉnh, thành. Từ nhóm trung bình năm 2020, Nam Định đã vươn lên nhóm khá của cả nước trong năm 2021.
Với kết quả trên, Nam Định đã đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ, kế hoạch của chính quyền tỉnh về cải thiện Chỉ số PCI, vào trong nhóm khá của cả nước.
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, một trong những yếu tố quan trọng giúp Nam Định tăng điểm, tăng hạng PCI là thời gian qua tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, triển khai các bước đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính kết nối liên vùng như: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã và đang đầu tư xây xựng hạ tầng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp về đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 74.850,6 tỷ đồng và 62,3 triệu USD Trong đó, tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 dự án lớn, gồm dự án Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng mức đầu tư ban đầu là 70.000 tỷ đồng. Đến tháng 3/2022, sau khi được tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2/3 dự án trên đã được bổ sung thêm 29.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Việc có những nhà đầu tư như Tập đoàn Xuân Thiện cam kết đầu tư số vốn lớn như trên để đầu tư các dự án ở Nam Định là minh chứng thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng…
An Hải