Nam Định bắt tay thực hiện CĐS với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhận thức về CĐS và nguồn đầu tư cho công nghệ thông tin trong giai đoạn dài chưa tập trung quyết liệt; nhân lực công nghệ thông tin thiếu và yếu… Nhưng sau gần 3 năm nỗ lực thực hiện, đến nay tỉnh đã nằm trong top 10 của toàn quốc với những chỉ số đột phá trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Một trong những giải pháp hiệu quả là việc tích cực phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm CĐS hiệu quả của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Người dân sử dụng dịch vụ thanh toán số trong giao dịch thương mại tại Chợ trung tâm thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). |
CĐS là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên đây là lĩnh vực mới, chưa có mô hình tiêu chuẩn để học hỏi, rút kinh nghiệm nên để tạo được xung lực thúc đẩy CĐS toàn diện, trong quá trình thực hiện CĐS, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh yêu cầu mỗi địa phương, mỗi ngành chú trọng công tác tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS và chia sẻ để các đơn vị, địa phương khác tham khảo, học tập, áp dụng. Là cơ quan thường trực của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lộ trình CĐS và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai các bước CĐS, xây dựng chính quyền điện tử...
Sở đã chủ trì xây dựng chuyên mục CĐS trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông của tỉnh mở chuyên mục CĐS để thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chia sẻ những cách làm hay về CĐS của đơn vị mình. Sở cũng đã thành lập nhóm Zalo Đội ngũ nòng cốt CĐS để cập nhật, phổ biến thông tin về CĐS cho trên 500 thành viên là cán bộ phụ trách CĐS của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh. Phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh truy cập Chuyên mục câu chuyện CĐS trên website: http://t63.mic.gov.vn, http://c63.mic.gov.vn/ để tham khảo những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình hay về CĐS trên cả nước; đồng thời chia sẻ trực tuyến các câu chuyện CĐS phù hợp trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình và các kênh thông tin khác.
Nhóm Zalo nòng cốt CĐS đã có hàng chục sáng kiến, giải pháp về CĐS của các sở, ngành, địa phương đã được thông tin, chia sẻ làm cơ sở cho các đơn vị bạn học tập làm theo. Trong đó hàng chục sáng kiến, giải pháp CĐS như: “Ứng dụng phần mềm giám sát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội”; “Ứng dụng phần mềm Google maps trong quản lý quy hoạch trạm thu, phát sóng thông tin di động”; “Tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên nền tảng mạng xã hội Zalo”; “Trả kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử cùng với văn bản giấy đối với các dịch vụ công trực tuyến”; “Ứng dụng hệ thống theo dõi, giám sát từ xa nhằm phát hiện nguy cơ tấn công mã độc”; “Áp dụng hệ thống lưu trữ Storage Aera Networking (SAN) tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định”; “Tích hợp Dịch vụ công trực tuyến tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nam Định”; “Đổi mới công tác lập hồ sơ điện tử và giao nộp hồ sơ điện tử vào lưu trữ cơ quan tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Quét mã QR-Code để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tra cứu thủ tục hành chính”; “Đổi mới công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến tại huyện Giao Thủy”; “Ngày thứ Ba không hẹn, không giấy tờ ở Vụ Bản”; “Xây dựng tuyến đường 4.0 ở Nghĩa Hưng”; “Kinh nghiệm xây dựng đài truyền thanh thông minh ở Trực Ninh”… được chia sẻ làm cơ sở để các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ CĐS căn cứ áp dụng vào thực tế công việc ở đơn vị mình.
Trong đó 2 giải pháp: “Tích hợp Dịch vụ công trực tuyến tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nam Định”; “Đổi mới công tác lập hồ sơ điện tử và giao nộp hồ sơ điện tử vào lưu trữ cơ quan tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định” của Sở TT và TT và Sở Nội vụ đã được các Bộ: TT và TT, Nội vụ công nhận và nêu gương để các tỉnh, thành phố, đơn vị khác cùng học tập để đơn giản hóa quy trình công nghệ; tiết kiệm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện chuyển đổi dữ liệu… phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Vũ Mạnh Khuyến, Trưởng Phòng CĐS (Sở TT và TT) cho biết: Với mục tiêu phát huy tinh thần tự học, tự đổi mới và học ngay trong thực tế để thúc đẩy quá trình CĐS nhanh hơn, mạnh hơn, Sở TT và TT đã tạo nên môi trường CĐS thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, cách làm CĐS, kích thích tinh thần sẵn sàng CĐS của các địa phương, đơn vị.
Cách làm này mang lại hiệu quả ngoài mong đợi bởi UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng chỉ giao nhiệm vụ và khung mục tiêu nhưng mỗi địa phương, đơn vị lại có cách triển khai riêng đã tạo ra môi trường sáng kiến kinh nghiệm phong phú, đa dạng để các đơn vị học hỏi, tham khảo. Đến nay đã hình thành được những “địa chỉ đỏ” về CĐS trong các lĩnh vực, nội dung công tác để các địa phương, đơn vị tìm đến học hỏi
Trong đó, thành phố Nam Định nổi bật về xây dựng chính quyền số, CĐS trong các trường học; huyện Vụ Bản đạt hiệu quả cao trong việc triển khai tuyên truyền về CĐS; huyện Trực Ninh có cách làm độc đáo trong việc phát triển hệ thống đài truyền thanh thông minh, vừa tiết giảm chi phí, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; huyện Nghĩa Hưng tiêu biểu trong việc xây dựng xã hội số thông qua các mô hình chợ 4.0, tuyến đường 4.0... Do đó, 3 năm liên tiếp, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh đều đạt và vượt so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số xếp hạng CĐS; chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 của tỉnh tiếp tục đứng trong “top” 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kinh tế số tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất tổ chức tại Nam Định năm 2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã khen ngợi, đánh giá cao về cách tuyên truyền CĐS sáng tạo của tỉnh.
Lan tỏa cách làm CĐS đã mang lại hiệu quả thiết thực, khẳng định tinh thần trách nhiệm, quyết tâm CĐS của các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức CĐS và thôi thúc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)