UBND tỉnh Nam Định đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, rộng 13.950 ha, thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn của hai huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, cho biết, tỉnh đã có văn bản và đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế (KTT) Ninh Cơ.
Theo đề án, đây là khu vực rộng 13.950ha trên 9 xã, thị trấn và vùng bãi bồi của 2 huyện ven biển Nghĩa Hưng và Hải Hậu.
Trong nội dung tờ trình, KKT Ninh Cơ nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, phía Bắc giáp các xã Hải Phú, Hải Cường, Hải Triều của huyện Hải Hậu; phía Nam giáp Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp giáp tỉnh Ninh Bình (xã Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng) và giáp các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành, Nghĩa Tân, Nghĩa Phong của huyện Nghĩa Hưng và xã Hải Giang của huyện Hải Hậu.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển, với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha. Đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động.
KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008.
“Khu vực quy hoạch xây dựng KKT Ninh Cơ đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện về thu hút đầu tư, về hạ tầng, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, triển vọng kết nối vùng... ”, UBND tỉnh Nam Định đánh giá.
Trong tờ trình, cùng với việc nêu 6 thuận lợi (về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, lợi thế về dư địa phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư), tỉnh Nam Định cũng chỉ ra 7 thách thức (về địa lý, tự nhiên, quỹ đất, sự phát triển của khu vực lân cận, kinh nghiệm và tiềm lực của địa phương, nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao) khi thành lập KKT Ninh Cơ.
Theo UBND tỉnh Nam Định, với lợi thế vừa có đường biển, vừa có đường bộ sẽ giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tại KKT đa dạng và có lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư hơn so với một số KKT khác.
Lợi thế giao thông, kết nối cũng giúp KKT thuận lợi trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi tới các khu vực thuộc Đông - Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Trong khi đó, quỹ đất hiện tại ở khu vực dự kiến thành lập KKT (13.950 ha) phần lớn là đất đai do nhà nước quản lý, thuận tiện trong việc thu hồi để triển khai các dự án.
UBND tỉnh Nam Định cho hay, mục tiêu chung của Đề án thành lập KKT Ninh Cơ là nhằm xây dựng và phát triển khu kinh tế đa ngành, đa chức năng; là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế địa phương.
Để xây dựng KKT Ninh Cơ, theo UBND tỉnh Nam Định, địa phương có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ.
Về đường bộ, KKT có tuyến đường ven biển đi qua; kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và cao tốc Bắc - Nam.
Về đường sông, KKT Ninh Cơ là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 02 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy.
Về đường biển, KKT này còn có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu (có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 300.000 DWT) phục vụ cho KKT Ninh Cơ và đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Về hàng không, KKT kết nối thuận lợi với sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Trong phạm vi KKT đã xây dựng một số cảng nội địa bao gồm: Bến cảng Hải Thịnh (2 cầu dài 200m năng lực thông qua khoảng 1 triệu tấn/năm), được xây dựng từ năm 1995 có thể cho tàu từ 400-2.000 tấn; Bến cảng cá Ninh Cơ (1 cầu dài 190m, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hậu cần nghệ cá); Bến cảng quân sự Thịnh Long (2 cầu dài 60m năng lực thông qua khoảng 0,3 triệu tấn/năm) và 1 điểm chuyển tải xăng dầu ngoài cửa Lạch Giang cho tàu đến 48.000 tấn.