Từ tháng 7/2022, Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử được triển khai thực hiện theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ chỉ số được đánh giá, xếp hạng theo 5 tiêu chí, gồm: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến; tỷ lệ thanh toán trực tuyến; chỉ số công khai, minh bạch; số hóa hồ sơ và tiến độ giải quyết hồ sơ.
Đến hết tháng 2/2023, kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử của tỉnh Nam Định đạt 69,52 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc và tăng 6 bậc so với năm 2022.
Trong đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến đạt 78,9%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 67,82%; chỉ số công khai, minh bạch đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 80,17%; chỉ số tiến độ giải quyết đúng hạn đạt 95,02%.
Tất cả các chỉ số của Nam Định đều vượt yêu cầu so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Đây là cơ sở để tỉnh Nam Định đáp ứng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương; phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện thủ tục hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong 4 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình. Nghị định 42 của Chính phủ đã quy định rõ, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, được thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, còn kết quả được trả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đặc biệt, giữa tháng 4, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo dịch vụ dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công cấp bộ, tỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm. Thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này chậm nhất là tháng 9/2023.
Thanh Minh