Những kỷ lục đầu năm mới
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2023 với doanh thu cả năm tăng gấp 6 lần so với năm 2022 lên 5.645 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước đó.
Mặc dù vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của KBC kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán năm 2007.
Cũng trong năm 2023, Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận tình hình tài chính tốt lên nhiều so với năm trước đó. Tổng nợ vay giảm 22% xuống còn 13.226 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính cả ngắn hạn và dài hạn giảm hơn 50% xuống còn gần 3.660 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sạch nợ trái phiếu.
Trong năm, KBC tiếp tục đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp như Tràng Cát (Hải Phòng), Tân Phú Trung…
Cổ phiếu KBC trong phiên giao dịch đầu tháng 2/2024 tăng mạnh hơn 3,6% lên 31.350 đồng/cp.
Không chỉ có KBC, nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp khác cũng tăng vọt trong phiên đầu tháng mới.
Trong phiên ngày 1/2, giới đầu tư cũng chứng kiến cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng kịch trần thêm 7% lên 23.950 đồng/cp. GVR là một doanh nghiệp có diện tích đất rất lớn và dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng cho mảng khu công nghiệp năm 2024, gấp nhiều lần so với con số thực hiện năm 2023.
Trong năm 2024, GVR dự kiến chi khoảng một nghìn tỷ đồng để đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Thạnh có quy mô hơn 570ha tại tỉnh Tây Ninh. Với diện tích đất lớn tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, GVR tiếp tục định hướng trung và dài hạn là phát triển các dự án khu công nghiệp tại đây.
Dự kiến trong năm 2024, GVR sẽ cho thuê mới 245 ha đất công nghiệp, gấp khoảng 5,7 lần so với trong năm 2023. GVR hiện có quỹ đất lên đến 290.000 ha trên cả nước.
Trong 5 phiên gần đây, cổ phiếu GVR có 4 phiên tăng mạnh. Sở dĩ dòng tiền đổ vào cổ phiếu này có thể do những tín hiệu tích cực về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng như tín hiệu xoay trục kinh doanh từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp của doanh nghiệp này.
Cũng trong phiên ngày 1/2, cổ phiếu bất động sản công nghiệp Sonadezi Châu Đức (SZC) tăng kịch trần thêm gần 7% lên 41.700 đồng/cp. Cổ phiếu IDC của Tổng công ty Idico tăng gần 5,9% lên 56.100 đồng/cp. Cổ phiếu VGC của Viglacera tăng hơn 4,2% lên 54.500 đồng/cp…
Có một điểm chung của các cổ phiếu bất động sản công nghiệp gần đây là tăng khá mạnh và đang ở vùng cao kỷ lục trong vòng 1 năm qua. Các doanh nghiệp này đều có kế hoạch mở rộng quỹ đất bất động sản công nghiệp trên khắp cả nước.
Trong khi KBC mở rộng quỹ đất tại phía Bắc nhằm đón sóng FDI Hàn Quốc, Trung Quốc, thì GVR mở rộng ở phía Nam; Sonadezi Châu Đức mở rộng ở khu vực Bà Rịa Vũng Tàu… Còn Viglacera cũng tính mở rộng quỹ đất tại các địa bàn có tiền năng tại miền Trung và miền Nam…
Dồn dập vốn Mỹ, Trung, Hàn…, bất động sản công nghiệp tích cực
Trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được quốc hội thông qua hôm 18/1 và có hiệu lực vào đầu năm sau, có những điểm được đánh giá là tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT, một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam cho rằng, việc được bán tài sản trên đất và bán quyền thuê đất cho doanh nghiệp khác sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành bất động sản khu công nghiệp.
Còn theo SSI Research, triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024 là tươi sáng. Theo đó, nhu cầu khu công nghiệp dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024. Đánh giá này là dựa trên kết quả của các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới trong nửa cuối năm 2023.
Theo SSI Research, các MOU này sẽ được chuyển thành hợp đồng chính thức và ghi nhận doanh thu trong năm 2024.
Bên cạnh đó, với các khu công nghiệp ở miền Bắc, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ cao trong năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Giá cho thuế đất sẽ tăng bình quân 15,5% trong năm 2024.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp gần đây đẩy mạnh mở rộng quỹ đất để đón dòng vốn FDI vẫn đang đổ vào Việt Nam rất mạnh và có thể có tăng tốc trong thời gian tới khi mà vĩ mô ổn định, kinh tế tăng trưởng khá cao, dự báo top 2 tại Đông Nam Á…
Bên cạnh các dòng vốn từ Hàn Quốc và Nhật Bản, gần đây dòng vốn từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc)… tăng khá mạnh trở lại. Dòng vốn từ Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh sau khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã dồn dập sang Việt Nam trong 1-2 năm gần đây, bao gồm cả các ông lớn công nghệ…
Trong một chia sẻ trực tuyến năm ngoái, ông Đặng Thành Tâm cho biết KBC may mắn khi gần đây được chuyển đổi đất rất nhanh, được Chính phủ và các địa phương hỗ trợ nhiều. Việc cấp sổ đỏ nhanh hơn, dự án nhanh hơn… giúp doanh nghiệp rất nhiều. KBC có quỹ đất lớn lấy theo giá thành từ 10 năm trước cho nên có thể nhanh chóng đón được các ông lớn nước ngoài như Tập đoàn Apple.
Từ năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, đây được đánh giá không phải vấn đề quá lớn. Các tập đoàn lớn quan tâm đến nhiều yếu tố, chứ không chỉ có thuế.
Đó có thể là vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Là việc đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội, môi trường… cao hơn, như việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để tăng cường cam kết với các tập đoàn nước ngoài…
Theo ông Đặng Thành Tâm, như trường hợp Apple, tập đoàn này ngay khi vào Việt Nam đã mong muốn phải bảo đảm nơi ăn chốn ở cho công nhân để đảm bảo sản xuất.
Việc các doanh nghiệp đón đầu các xu hướng này cùng với vị thế đang ngày càng đi lên của Việt Nam, thì việc dòng vốn FDI bứt phá có lẽ không phải là điều xa vời.