Ảnh minh họa: Getty Images |
Tại cuộc họp cổ đông thường niên vừa diễn ra hôm 26/2, CEO Apple Tim Cook cho biết công ty sẽ mở cửa hàng trực tuyến tại Ấn Độ - thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới – trong năm nay. Hãng cũng mở cửa hàng bán lẻ Apple Store vào năm 2021.
Cook cho biết vô cùng tin tưởng vào cơ hội tại Ấn Độ, quốc gia có sự năng động và nhân khẩu học không thể so sánh. Trước đó, trang tin TechCrunch tiết lộ Apple có kế hoạch mở cửa hàng online tại Ấn Độ trong quý III/2020.
Ấn Độ là thị trường hóc búa với Apple và một số công ty khác khi muốn bán sản phẩm cao cấp. Thị trường này tiếp tục tăng trưởng nhưng phần lớn người dân không đủ tiền mua thiết bị Apple. Thực tế, phần lớn smartphone bán ở đây đều có giá 150 USD hoặc thấp hơn, theo hãng nghiên cứu Counterpoint.
Với Apple, một thách thức khác là thuế nhập khẩu khá nặng đánh vào mặt hàng điện tử. Nó khiến iPhone còn đắt hơn nữa vì công ty bắt người dùng phải gánh chi phí này.
Apple muốn tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm bằng cách giảm giá. Trong nhiều năm, công ty hối thúc chính phủ giảm thuế cho mình. Khi các cuộc đàm phán không thành công, họ chuyển sang làm điều mà mọi nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đều làm tại Ấn Độ: lắp ráp trong nước.
New Delhi có vài ưu đãi cho các công ty lắp ráp đồ điện tử tại địa phương. 2 năm nay, nhà thầu Foxconn và Wistron của Apple đang lắp ráp vài mẫu iPhone tại đây và giảm giá một số mẫu, trừ các mẫu mới nhất.
Quyết định đó chứng minh lợi ích cho Apple. “Táo khuyết” bán gần 925.000 iPhone trong quý cuối năm 2019, theo ước tính của Canalys. Con số này tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018 và là năm thành công nhất của Apple tại đây cho tới nay.
Theo nhà phân tích Madhumita Chaudhary của Canalys, quyết định đánh mạnh về giá – hợp tác với các ngân hàng để chiết khấu cho khách hàng – đã giúp Apple cải thiện vị trí trên thị trường có 99% smartphone chạy Android. Apple cũng thảo luận với các studio để sản xuất nội dung cho khán giả Ấn Độ.
Theo TechCrunch, Cook có thể đến thăm Ấn Độ khi khai trương cửa hàng online. Năm 2019, Ấn Độ xóa bỏ một số yêu cầu đối với các nhà bán lẻ, mở đường cho các công ty như Apple mở bán trực tuyến trước khi hiện diện trên thị trường bán lẻ truyền thống.