Những ngày này, thay vì nghỉ xả hơi sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vũ Bảo Đức cùng nhiều thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, bắt đầu tham gia một khóa đào tạo về AI do Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Lựa chọn học ở ngôi trường trong nước của Đức khiến nhiều người tiếc nuối vì cho rằng với khả năng của em, du học là điều tất yếu.
Dẫu vậy, Đức lại cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình. Khi được đại diện cho các tân sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng đứng lên phát biểu, Đức cho biết để được đặt chân qua cánh cổng parabol của ĐH Bách khoa Hà Nội, em cũng như rất nhiều bạn khác đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí dành nhiều đêm thức trắng và choàng dậy trước bình minh”. Cứ thế, nam sinh nỗ lực từng chút, “những hạt giống gieo trong nước mắt” ngày nào giờ đã có thể “gặt trong hạnh phúc ngời ngời”.
Là học sinh lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), Đức cho biết, từ sớm em đã lên kế hoạch ôn luyện chứng chỉ SAT và IELTS. Theo nam sinh, đây là con đường đơn giản và dễ dàng nhất để thực hiện hóa giấc mơ đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trên hành trình ấy, Đức cảm thấy may mắn khi được tiếp xúc từ sớm với tiếng Anh. Nhờ vậy, em không coi đây là một môn học mà luôn xem là một ngôn ngữ. Do đó, Đức không ép buộc bản thân phải học mà tiếp xúc với tiếng Anh rất tự nhiên.
“Với em, học tiếng Anh là cả quá trình, dần dần bồi nên gốc chứ không phải học nhồi nhét từ vựng, ngữ pháp. Thông qua các ngữ cảnh cụ thể, bản thân dần phát triển vốn từ”.
Đối với cả SAT và IELTS, nam sinh không học tủ mà hướng theo đúng mục tiêu của kỳ thi là đo lường, đánh giá tư duy và khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh. “Học mẹo hay thủ thuật để làm bài sẽ khiến mình quên ngay sau kỳ thi, nhưng cách tư duy logic để giải quyết vấn đề sẽ là kỹ năng có giá trị lâu dài, bền vững”, Đức nói.
Một điều may mắn, Đức cho rằng chính gia đình là nền tảng tạo mọi điều kiện, hậu thuẫn cho em về kinh tế và tinh thần. “Em được tự căn chỉnh, quyết định phương thức và tiến độ học tập, nhờ vậy cũng không gặp nhiều áp lực”.
Trong suốt 12 năm, ngoài việc học, Đức vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Nam sinh thường tranh thủ 30 phút ngồi trên xe buýt để đọc. Đó cũng chính là khoảng thời gian Đức thấy mình được nghỉ ngơi, thư giãn, cân bằng lại những áp lực học hành trong ngày. Buổi tối, nam sinh thường ngồi vào bàn học từ 7h30, tập trung trong vòng hai tiếng và học thêm khoảng 1 tiếng vào sáng sớm hôm sau.
“Việc rèn thói quen đi ngủ từ 22h cũng giúp em đảm bảo sức khỏe mà vẫn duy trì thời lượng học tập”, Đức nói.
Cuối năm lớp 11, Đức bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu ngành nghề muốn học. Em mua một cuốn sách hướng nghiệp, trong đó giới thiệu tất cả các ngành nghề khác nhau, từ sáng tạo nghệ thuật, công nghệ thông tin đến khoa học xã hội và nhân văn.
“Em mở mục lục ra đọc từng ngành nghề một. Nghề nào thích thú, em sẽ ghi lại và quan sát xem bản thân có điểm chung nào hay không. Sau khi tìm hiểu, cân nhắc, xử lý dữ liệu, em giữ lại khối ngành kỹ thuật và đặt mục tiêu ngành muốn theo học. Em tiếp cận ngành này bằng cách học thử ngôn ngữ lập trình, xây dựng thuật toán, xử lý dữ liệu... Cuối cùng, em nhận ra bản thân yêu thích ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”.
Đức cho biết đây là ngành đi sâu xử lý phân tầng các loại dữ liệu, có sự tinh tế vì từ dữ liệu thô, qua các thuật toán và mô hình có thể đưa ra được những phán đoán.
Nam sinh quyết định vào đại học trong nước, chọn ĐH Bách khoa Hà Nội vì đây là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo ngành này hoàn toàn bằng tiếng Anh. Em cũng không tiếc nuối khi không lựa chọn du học vì “chất lượng đào tạo tại đây được khẳng định từ lâu đời”.
Còn PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhận định: “Với điểm tuyệt đối SAT, Đức đủ điều kiện điểm chuẩn vào bất kỳ đại học nào trên thế giới, kể cả Viện Công nghệ Massachusetts - MIT, Đại học Stanford hay Đại học Harvard... Thế nhưng Đức đã chọn không đi du học mà theo học tại Trường Công nghệ Thông tin - Truyền thông. Giấc mơ du học chắc chắn em sẽ đạt được, nhưng từ bệ phóng này vào thẳng các chương trình đào tạo tiến sĩ (học bổng toàn phần thêm sinh hoạt phí) là một lựa chọn hoàn hảo”.
Sau khi trúng tuyển, Đức cho biết em không dám nghỉ xả hơi do việc học các môn đại cương vốn nổi tiếng khó, nếu không có sự chuẩn bị và làm quen với môn học từ sớm sẽ bị “choáng”.
“Em từng đọc rằng cái hồn của Bách Khoa nằm ở cổng parabol, mà tên thật là cổng sóng soliton. Như những con sóng, em sẽ tiếp nối tinh thần của bao thế hệ sinh viên để bước trên con đường chông gai mà hiến dâng chính mình vào khoa học”, Đức nói.