Vụ tai nạn xảy ra hôm 26/5. Bệnh nhân là N.V.G, 16 tuổi, ở huyện Việt Yên, Bắc Giang. Sau khi sự cố xảy ra, G. được đưa lên bờ, hô hấp nhân tạo và đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tân Yên sơ cứu trước khi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.
Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng kích thích, vật vã, khó thở nhiều, bọt hồng trào ra đường mũi miệng, chỉ số SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu) chỉ 85% (bình thường phải 95% trở lên). Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, phù phổi cấp sau đuối nước, tiên lượng rất nặng.
Lập tức, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu bằng đặt ống nội khí quản, thở máy rồi chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục điều trị. Bệnh nhi được chỉ định duy trì an thần, thở máy, kháng sinh mạnh, bù điện giải… Sau hơn 1 ngày điều trị, cháu G. đã qua cơn nguy kịch, phản xạ ho khạc tốt, được cai thở máy và rút ống nội khí quản. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, ăn uống được và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não phần lớn do trẻ không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
Bác sĩ cũng cho biết chỉ vài ngày đầu trong kỳ nghỉ hè đã có 2 trường hợp được đưa đến cấp cứu do đuối nước. Đây cũng là thời điểm gia tăng số ca tai nạn đuối nước.
Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ không nên để trẻ chơi hoặc bơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối… đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần khẩn trương sơ cứu và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả, di chứng nguy hiểm có thể xảy ra.