Sau đây là 5 sự kiện nổi bật gây ảnh hưởng lên thị trường hàng hóa trong năm 2023 được Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) điểm lại.
1. ‘Làn sóng’ ngân hàng Mỹ phá sản, kim loại quý ‘lên ngôi’
Tháng 3/2023, thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng chao đảo khi hàng loạt ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ như SVB, Signature Bank, Republic Bank… gặp vấn đề thanh khoản và sụp đổ. Đây là hệ quả từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ Mỹ nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Tuy nhiên, điều này đã mang đến xu hướng tích cực cho giá kim loại quý vốn giữ vai trò trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế và rủi ro suy thoái. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá bạc tăng đột biến gần 7% - mức tăng trong ngày cao nhất trong năm qua. Giá bạc và bạch kim thậm chí đạt đỉnh cao nhất của một năm vào hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5.
2. OPEC+ cắt giảm sản lượng mạnh tay, giá dầu tiến sát 100 USD/thùng
Năm 2023 được coi là năm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) can thiệp nhiều nhất vào thị trường dầu thế giới trong vài năm trở lại đây. Xuất phát từ bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu hạn chế, OPEC+ đã liên tục cắt giảm sản lượng mạnh tay nhằm hỗ trợ giá dầu.
Tác động mạnh mẽ nhất là vào hồi tháng 6, khi Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu nhóm OPEC+, đã bất ngờ công bố đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, bên cạnh cam kết chung. Tuyên bố này đã đẩy thị trường dầu rơi vào tình trạng thâm hụt hơn 1 triệu thùng/ngày và kéo theo xu hướng giá tăng rõ rệt trong suốt quý III với mức tăng gần 40% giá trị. Giá dầu Brent thậm chí tiến sát mốc 100 USD/thùng vào giai đoạn cuối tháng 9.
Tuy nhiên, dù OPEC+ liên tục cắt giảm sản lượng, giá dầu đã không thể duy trì đà tăng trong dài hạn và bắt đầu lao dốc về cuối năm do sản lượng ngoài OPEC+ tăng cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
3. Thoả thuận ngũ cốc biển Đen sụp đổ, giá lúa mì tăng chóng mặt
Ngày 17/7, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen - thỏa thuận quan trọng cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua các cảng ở biển Đen. Sự kiện này ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động vận tải trong khu vực và đe dọa nguồn cung lương thực thế giới. Giá các mặt hàng nông sản rung lắc rất mạnh.
Mặc dù không còn là yếu tố tác động dài hạn lên giá ngô, lúa mì như khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 nhưng các sự kiện bất ngờ này khiến giá các mặt hàng nông sản tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi xuất khẩu bị gián đoạn, giá lúa mì đã đi lên tới hơn 20% rồi nhanh chóng quay đầu về lại mức ban đầu.
4. El Nino ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung
Xuất hiện vào mùa hè năm 2023 và lên đỉnh điểm vào tháng 11, hiện tượng El Nino được ước tính có cường độ mạnh nhất đã gây hạn hán nặng nề ở các vùng sản xuất nông nghiệp lớn tại châu Á. Trong đó, các quốc gia sản xuất nông sản lớn như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mùa vụ bị thiệt hại đã đẩy giá đường và gạo thô tăng lên mức cao nhất 12 năm; giá cà phê Robusta cán mức đỉnh trong 28 năm. Thậm chí, giá cà phê nội địa tại Việt Nam còn đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Thời gian El Nino hoạt động mạnh nhất cũng là giai đoạn phát triển quan trọng của các loại nông sản thế mạnh của Brazil, quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Do đó, hoạt động gieo trồng các mùa vụ đậu tương và vụ ngô cũng bị ảnh hưởng. Lo ngại nguồn cung sụt giảm là nguyên nhân khiến giá của các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi neo cao trong suốt quý IV.
5. Dòng tiền giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có sự dịch chuyển
Theo thống kê của Khối Quản lý Giao dịch MXV, khô đậu tương là mặt hàng có khối lượng giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong tháng 11/2023. Đây là tháng đầu tiên sau hơn 2 năm, các mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô WTI micro bị soán ngôi.
Bên cạnh đó, thị trường chứng kiến dòng tiền có sự dịch chuyển mạnh sang các mặt hàng trong nhóm kim loại, nơi ghi nhận những biến động lớn trong năm 2023. Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch các mặt hàng đồng micro và bạch kim đang lần lượt đứng thứ 7 và thứ 8 trong tổng số 45 sản phẩm đang giao dịch tại MXV. Đối với bạch kim, đây là mức tăng trưởng giao dịch lên đến 57% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 11/2023, bạch kim là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ 4 tại Việt Nam.
Kết quả này cho thấy thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Các mặt hàng có thanh khoản cao, dễ tiếp cận vẫn thu hút dòng tiền đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã bắt đầu tìm hiểu các mặt hàng có tiềm năng khác, để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong dài hạn, các sản phẩm giao dịch càng đa dạng, sẽ giúp hoạt động giao dịch ngày càng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi thị trường có những biến động bất thường.