Trong đợt tuyển quân năm 2023, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tiếp nhận, huấn luyện hơn 15.200 chiến sĩ mới thuộc 61 tỉnh, thành phố trong cả nước (ngoại trừ TP. Hà Nội và TP.HCM). Số chiến sĩ này được giao cho 10 trung đoàn và 2 trung tâm huấn luyện.
Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, tổ chức tiếp nhận hơn 1.500 chiến sĩ. Nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ.
Tân binh Đỗ Đại Dương (SN 1996, quê tại Lào Cai) trước khi tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học xây dựng tại Trường Đại học Giao thông vận tải và đã đi làm.
Anh Dương chia sẻ, từ nhỏ đã yêu thích màu áo xanh Công an nhân dân và ước muốn được phục vụ trong ngành lâu dài.
“Tôi được biết, Bộ Công an có chính sách mới đối với công dân đã tốt nghiệp đại học, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 2 năm đi nghĩa vụ và được kết nạp Đảng thì sẽ có cơ hội xét lên chuyên nghiệp. Đồng thời, được học văn bằng hai tại các trường Công an nhân dân để phục vụ trong ngành”, anh Dương cho biết.
Nữ tân binh Mai Hạnh Tâm (SN 1998, quê tại Thái Nguyên) tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cũng viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ.
Nữ tân binh Tâm chia sẻ, việc làm đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân chính là một bước để thực hiện ước mơ, cũng là cơ hội để bản thân có thêm trải nghiệm, rèn luyện ý chí, bản lĩnh.
Anh Lê Tuấn Linh (SN 1996) cũng đã tốt nghiệp đại học trước khi tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân. Với anh, đi nghĩa vụ là để đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đơn vị như gia đình thứ 2
Theo chương trình, các tân binh sẽ trải qua khóa huấn luyện kéo dài 3 tháng, được đào tạo võ thuật, nghiệp vụ điều lệnh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vận chuyển hàng đặc biệt, giải tán đám đông, bạo loạn...
Tân binh Bùi Tiến Quân (SN 2004, quê tại Hòa Bình) vừa tốt nghiệp bậc học THPT, đây là lần đầu tiên anh xa gia đình, bố mẹ. Những ngày đầu anh thực hiện nghĩa vụ tại đơn vị có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn.
“Khi ở nhà nhiều khi bố mẹ vẫn giúp tôi gấp chăn màn, thu dọn quần áo nhưng khi vào đây tôi phải tự thực hiện. Thậm chí, phải làm một cách ngăn nắp, gọn gàng nhất. Tôi cho rằng, từ điều rất nhỏ trong cuộc sống như vậy sẽ rèn luyện cho tôi sự tự giác, trưởng thành hơn”, anh Quân nói.
Nữ tân binh Mai Hạnh Tâm chia sẻ, sau 3 tuần huấn luyện, ấn tượng nhất với bản thân là tác phong, kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị và tình đồng chí, đồng đội.
“Những ngày đầu khi mới đi huấn luyện, tôi cảm thấy rất nhớ gia đình, bạn bè bởi mình đã quen với cuộc sống hằng ngày khá thoải mái. Đến nay, tôi đã dần làm quen với các đồng chí, đồng đội, tham gia các buổi văn nghệ, ngoại khóa cũng giúp vơi đi cảm giác nhớ gia đình”, nữ tân binh chia sẻ.
Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết, trong điều kiện quân số đông, để công tác huấn luyện đạt chất lượng cao nhất, ngay từ những ngày đầu đơn vị đã đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập đến nơi ăn ở, sinh hoạt cho chiến sĩ mới.
Cùng với đó, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức xây dựng các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để kịp thời động viên chiến sĩ mới vơi đi nỗi nhớ nhà, an tâm tư tưởng học tập, huấn luyện, coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.
"Với việc chuẩn bị chu đáo, toàn diện trên các mặt công tác, chắc chắn rằng sau khi được huấn luyện, các chiến sĩ mới sẽ trở nên bản lĩnh hơn, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, có quân phong, quân kỳ, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ", vị Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động nói.