Bác sĩ cho biết, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá khoảng 1-2 bao/ngày.
Được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, bệnh nhân dùng thuốc, chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy nam thanh niên tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước của động mạch vành trái. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Anh được chỉ định can thiệp đặt 1 stent vào vị trí động mạch bị tắc được đưa ra. Sau can thiệp, người bệnh hết khó thở, đỡ đau ngực. Sau 5 ngày điều trị, người bệnh đã hồi phục và được ra viện.
ThS.BS Nguyễn Văn Sơn - Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho hay điều đáng chú ý ở đây là người bệnh này còn rất trẻ tuổi và hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính trước đây.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu đột ngột nuôi tim do tắc nghẽn động mạch vành. Đây là tình trạng cần cấp cứu kịp thời, nếu không có thể dẫn tới tổn thương, hoại tử cơ tim gây suy tim ở người trẻ, thậm chí tử vong.
Bệnh lý nguy hiểm này có thể xảy ra với bất kỳ ai, thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cho hay gần đây nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi đã lên tới hơn 10% tổng số ca nhồi máu cơ tim.
Giảm bớt nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng cách nào?
ThS.BS Vũ Hoàng Vũ - Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - bệnh có xu hướng trẻ hoá do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận biết các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến việc bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị, tăng nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh viện này từng tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân mới 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi.
Sau khi thực hiện điện tâm đồ và men tim, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp mạch vành cho thấy một nhánh lớn đã bị tắc.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành đặt stent động mạch vành, bệnh nhân hồi phục tốt, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng đang theo dõi điều trị đái tháo đường tuýp 2. Khoảng 3 tháng trở lại đây, anh thường xuyên bị căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Thỉnh thoảng anh N. có cảm giác đau nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể bị nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở các đối tượng vốn dĩ đang ở độ tuổi còn trẻ và sung sức. Do đó, giới trẻ cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu của bệnh, không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Sơn khuyến cáo người dân không hút thuốc lá, lên kế hoạch cai thuốc nếu nghiện thuốc
Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, giữ cân nặng ở mức cho phép cũng là lời khuyên đáng lưu ý. Bác sĩ Sơn khuyên người dân hãy giảm cân nếu thừa cân theo hướng khoa học, sự trợ giúp của chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên chuyên nghiệp có thể cần thiết trong trường hợp này.
Rèn luyện thể lực đều đặn 30 phút/ngày; giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát ra khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè, bác sĩ tâm lý. Đừng quên khám sức khỏe định kỳ, bặc biệt, những người dễ bị nhồi máu cơ tim như cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc lá.
Thanh Hiền