Không chỉ lĩnh vực phim truyền hình, phim điện ảnh cũng có một năm thất bại chưa từng có. Dù phim nội ra rạp không ít, đủ mọi thể loại nhưng số phim thành công về mặt doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết lâm cảnh thua lỗ.
Phim trăm tỷ đếm trên đầu ngón tay
Chỉ có 2 điểm sáng duy nhất là phim Em và Trịnh - bộ phim duy nhất thu về gần 100 tỷ đồng. Dù gây tranh cãi nhưng đây vẫn là bộ phim thành công về doanh thu hiếm hoi năm qua. May mắn đồng hành với Em và Trịnh là Bẫy ngọt ngào, tác phẩm thu về 83,2 tỷ đồng. Đây cũng là hai phim Việt lọt top tìm kiếm trên Google Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, tất cả các phim còn lại ra rạp trong năm cùng chung số phận thua lỗ.
Thất bại mới nhất là Thanh Sói - tác phẩm hành động được đầu tư của Ngô Thanh Vân ở mọi khía cạnh không thua kém các nền điện ảnh lớn nhưng đạt doanh thu thấp. Công chiếu từ 23/12, đến sáng 29/12, Thanh Sói mới thu về 8,5 tỷ đồng, như vậy là sẽ cực khó để lội ngược dòng ở tuần thứ 2 ra rạp. Dù được đánh giá cao hơn bộ phim cùng thể loại là Hai Phượng trước đó nhưng Thanh Sói rất khó để có thể chạm mốc 200 tỷ như người tiền nhiệm.
Thất bại của Thanh Sói có nhiều lý do. Thứ nhất, phim ra rạp chỉ sau Avatar 2 đúng 1 tuần khi sức nóng của bom tấn thập kỷ này vẫn còn rất mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu nên rất khó cạnh tranh. Thứ hai, Thanh Sói bị dán nhãn 18+ với cảnh bạo lực và tình dục nên cũng tự hạn chế đối tượng khán giả. Thứ 3, sau dịch bệnh, chỉ những bộ phim thực sự đặc biệt hoặc thuộc dạng "buộc phải xem ngoài rạp" mới đủ sức thuyết phục khán giả mua vé bởi 2 năm dịch bệnh họ đã quá quen xem phim trực tuyến với những tác phẩm đạt chất lượng phòng vé.
Và cuối cùng, và quan trọng nhất, Thanh Sói chọn điểm rơi khi niềm tin của khán giả dành cho phim Việt đã xuống quá thấp sau hàng loạt cái tên thảm họa gần đây. Do vậy dù có chất lượng khá hơn so với đa số các bộ phim nội ra rạp trong năm nhưng Thanh Sói vẫn cùng chung số phận vật vã bán vé. Nhà sản xuất đã không thể dự đoán được thị hiếu của khán giả xem phim thời điểm này đã khác rất nhiều với khi Hai Phượng ra rạp gần 3 năm trước.
Thanh Sói không công bố chi phí sản xuất nhưng chắc chắn phải ở mức cao hơn Trạng Tí (43 tỷ đồng) cũng của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Do vậy có thể khẳng định luôn ở thời điểm này phim lỗ và khó có khả năng thu hồi vốn. Tuy nhiên, Thanh Sói không phải bộ phim duy nhất thất bại về mặt chinh phục khán giả. 578: Phát đạn của kẻ điên - tác phẩm hành động ra rạp hồi tháng 5 được nhà sản xuất công bố có chi phí lên tới 60 tỷ đồng chỉ thu về 3,5 tỷ đồng và rút khỏi rạp sau 10 ngày.
Phim thua lỗ nặng nối đuôi nhau
Kẻ thứ 3 - tác phẩm được nhà sản xuất, diễn viên Lý Nhã Kỳ đầu tư tới 33 tỷ đồng chỉ thu về vỏn vẹn 962 triệu đồng và sớm rút khỏi phòng chiếu vì ế khách do chất liệu yếu, kém hấp dẫn. Một tác phẩm khác bị coi là thảm họa màn ảnh năm nay là Cù lao xác sống vì gây tò mò khi là phim Việt đầu tiên làm về đề tài zombie nên thu về 12,8 tỷ. Tuy nhiên khán giả đâu dễ bị dắt mũi mãi, những bộ phim kém nhanh chóng bị tẩy chay và buồn hơn là sau đó phim Việt bị quay lưng vì mất niềm tin ở người xem.
Hậu quả là những bộ phim lem nhem kém chất lượng được làm cẩu thả như bài tập về nhà như Virus cuồng loạn hay Huyền sử vua Đinh nhanh chóng bị đá văng khỏi rạp chiếu với doanh thu bết bát lần lượt là 157 triệu đồng và 42 triệu đồng. Nếu như những bộ phim đạt doanh thu một vài tỷ đồng trước đây đã bị coi là thất bại lớn thì giờ những kỷ lục doanh thu thấp liên tục được lập nên. Nhiều người đặt dấu hỏi, tại sao người ta có thể tự tin cho ra rạp những bộ phim coi thường người xem như vậy? Chiêu bài kêu gọi khán giả ủng hộ phim Việt giờ không còn tác dụng.
Khán giả giờ đây lựa chọn phim kỹ hơn để mua vé, khó tính hơn nên một khi một niềm tin với phim Việt đã chạm đáy thì họ chọn cách quay lưng với tất cả phim Việt ra rạp bất chấp chất lượng cao hay thấp mà chọn những tác phẩm phim ngoại an toàn hơn. Giờ đây khi trình độ của người xem đã cao hơn, được tiếp xúc thường xuyên hơn với các bộ phim chất lượng trên nền tảng trực tuyến thì việc kéo được họ ra khỏi nhà để đến rạp mua vé xem phim không phải chuyện dễ dàng. Chỉ những bộ phim thật sự hay, mới mẻ và chạm tới cảm xúc của người xem mới có thể trụ vững ngoài rạp.
Thất bại của loạt phim Việt ngoài phòng vé trong năm qua cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả các nhà làm phim. Và cho thấy công cuộc chinh phục khán giả ngoài phòng vé không còn dễ dàng trước trước thị hiếu ngày càng khó lường của những người quyết định sự thành bại của các bộ phim. Những tín hiệu vui của phim Việt ngoài phòng vé như Bố già với 400 tỷ doanh thu chưa biết bao giờ mới trở lại.