Đưa đặc sản lên sàn
Chè đinh Tân Cương nổi tiếng bởi từng nõn chè non, chất lượng nhất được lựa chọn tỉ mỉ trên một số đồi chè chăm bón tốt nhất của vùng. Để có được 1kg trà đinh khô, cần 20 người hái chè chuyên nghiệp hái trong khoảng 2 tiếng đồng hồ và phải hái vào thời điểm thích hợp nhất.
Các nõn chè sau khi được hái sẽ trải qua quá trình chế biến của một trong ba nghệ nhân sao chè thủ công nổi tiếng nhất vùng chè Tân Cương. Sau khi sao chế, từng nõn chè Đinh trở nên săn chắc, nhỏ như đầu đinh và đều nhau tăm tắp.
Nếu như trước đây, loại đặc sản này chỉ bán qua các hình thức truyền thống, thì nay chè đinh Tân Cương đã lên sàn thương mại điện tử, có thể đến tay người tiêu dùng cả nước chỉ trong vòng 2-3 ngày đặt hàng.
Trên Postmart, gần 40 sản phẩm của Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán. Tương tự, trên sàn Vỏ sò của Viettel, hơn 100 sản phẩm của tình này được bán. Theo đại diện các sàn, số lượng sản phẩm sẽ tăng trong thời gian tới nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị và cơ quan chức năng, cùng các hộ sản xuất kinh doanh.
Chè đặc sản lên sàn thương mại điện tử |
Tại Thái Nguyên, nhiều đặc sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt kể từ khi Covid-19. Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đơn vị này đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,... hỗ trợ 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn mở gian hàng, khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn.
Còn theo Sở TT&TT Thái Nguyên, tính đến 2/2022, hơn 60.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Số hộ sản xuất nông nghiệp được mở gian hàng trên hai sàn Postmart và Vỏ Sò hơn 54.000 hộ. Số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn hơn 2.000 mặt hàng. Số lượng sản phẩm OCOP được đưa lên sàn gần 150 sản phẩm.
Chính sự thính ứng lên sàn thương mại điện tử trong bối cảnh mới, nhiều nông sản đã được tiêu thụ nhanh chóng. Đơn cử, năm 2021, hơn 80 tấn na Võ Nhai đã được tiêu thụ thông qua kênh mới này.
Là một trong những HTX sớm sử dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) cho biết, nhờ thích ứng nhanh, áp dụng việc bán hàng online và tận dụng các kênh, sàn nên sản lượng tiêu thụ của HTX dần lấy lại đà ổn định và thậm chí còn đạt cao hơn so với khoảng thời gian trước, tăng thêm 80-100 tấn trong 2 năm gần đây.
Doanh thu năm 2021 của HTX miến Việt Cường đạt 20 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020 là 10 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của người lao động trong HTX được duy trì ổn định ở mức 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa (TP. Thái Nguyên) chia sẻ, sau khi đưa lên sàn thương mại điện tử, khách hàng khắp mọi miền đất nước đã biết đến sản phẩm chè của đơn vị.
Hỗ trợ người nông dân đưa nông sản lên sàn |
Nâng cao giá trị
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản qua kênh thương mại điện tử trong năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đăng ký đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Phối hợp với UBND các huyện, TP, thị xã lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực... để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Hỗ trợ đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của DN bưu chính sở hữu sàn nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.
Ông Vũ Chí Kiên, Vụ phó Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cho biết, đồng hành hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã được Chính phủ giao chủ trì xây dựng và phát triển đề án về kinh tế số, trong đó chú trọng số hoá nông nghiệp và các sản phẩm nông sản, đặc sản.
Tổ công tác 1034 đề xuất mục tiêu trong thời gian tới, 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí được đưa lên các sàn thương mại điện tử, 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao được đưa lên sàn. Ngoài ra, 100% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Sở TT&TT Thái Nguyên kiến nghị, Vietnam Post và Viettel Post đầu tư phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh, chính sách giao hàng nhanh/phù hợp cho các đơn hàng trên địa bàn, chia sẻ, cung cấp thông tin tiêu thụ sản phẩm nông sản trên cả nước.
Duy Anh
Chưa từng có: Một giờ livestream bán 85 tấn quả, vụ mùa phong tỏa chốt triệu đơn online
Năm 2021 chứng kiến cuộc đổ bổ bộ của hàng triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Tại "chợ mới”, nông dân có thể ngồi trên đồi gẩy tay bán chục tấn đặc sản, chốt triệu đơn hàng.