Nguyện vọng chính đáng
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới cho khối lớp 10. Theo đó, bên cạnh các môn bắt buộc thì các trường phải xây dựng các tổ hợp môn tự chọn để học sinh lựa chọn theo sở thích, năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp của các em.
Tuy nhiên, một thực tế là không ít học sinh đã lựa chọn tổ hợp sau khi được tư vấn hướng nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhận ra mình không phù hợp và có nguyện vọng muốn đổi môn tự chọn.
Giữa tháng 11/2022 khi học kỳ I của năm học chuẩn bị kết thúc, qua trò chuyện thì phụ huynh của em L.C - học sinh lớp 10 Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh nắm được nguyện vọng muốn đổi tổ hợp môn học tự chọn của con gái.
“Trước đó, cả học sinh và phụ huynh đều được nhà trường tư vấn rất kỹ, thậm chí có mời cả chuyên gia về nói chuyện về vấn đề lựa chọn tổ hợp của con.
Hồi ấy, sau khi cân nhắc con tôi chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vì sau này muốn học vào các khối ngành kinh tế.
Hơn nữa, bạn thân của con tôi cũng chọn tổ hợp tự nhiên. Thế nhưng, gần hết học kỳ đầu con tỏ ra rất đuối, nhất là với môn Hóa học nên gia đình muốn xin cho con chuyển môn tổ hợp”, nữ phụ huynh bày tỏ.
Trường hợp của L.C, không hiếm khi nhiều học sinh ở trường khác cũng cùng cảnh ngộ là gần hết một học kỳ, sau khi có các điểm đánh giá định kỳ kết quả không tốt, nhận thấy môn tự chọn là quá sức và muốn thay đổi nhưng cũng không biết làm thế nào.
Chưa biết phải làm thế nào
Trao đổi với VietNamNet, thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội), cho biết tại trường mình chưa có học sinh muốn chuyển tổ hợp nhưng nếu có thì cũng không thể chuyển được.
“Tôi biết ở nhiều trường, học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp tự chọn và đó là nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Thế nhưng, Sở GD-ĐT Hà Nội lại không cho phép “dạy lại” cho những học sinh có nhu cầu chuyển môn tự chọn nên nhà trường cũng lực bất tòng tâm. Đó là nỗi khổ của học sinh.
Chính vì thế, tôi cho rằng công tác tư vấn trước khi học sinh lớp 10 chọn môn là đặc biệt quan trọng vì còn liên quan đến việc chọn nghề của học sinh sau này”, thầy Sở nói.
Thực tế, ở nhiều cơ sở giáo dục khác, những trường hợp học sinh xin chuyển tổ hợp môn tự chọn khiến nhà trường rất khó khăn. Trong khi đó, Bộ GD không có hướng dẫn về đổi môn như thế nào, học bù, kiểm tra đánh giá ra sao để có kiến thức và đủ đầu điểm khi học sinh chuyển sang môn học khác".
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) thừa nhận, theo báo cáo của giáo viên thì cũng có học sinh có nguyện vọng muốn chuyển tổ hợp môn học.
Tuy nhiên, hiện tại nhà trường chưa tổ chức khảo sát việc học sinh lớp 10 có muốn chuyển tổ hợp môn hay không.
“Nói đúng hơn là chúng tôi không dám tổ chức khảo sát vì lo lắng số lượng học sinh muốn thay đổi tổ hợp môn học quá lớn, điều chỉnh khó trong khi hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc muốn chuyển thì thế nào...
Chính vì thế, với những học sinh có nguyện vọng muốn chuyển tổ hợp môn học thì trước mắt chúng tôi động viên các em, cứ học tốt môn học mình lựa chọn, chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội”, thầy Bình nói.
Không chỉ khó khăn với học sinh trong trường muốn chuyển tổ hợp, mà với những học sinh lớp 10 vì nhiều lý do muốn chuyển trường hiện cũng rất khó khăn vì tổ hợp mình đang học không trùng với tổ hợp trường muốn chuyển sang.
Bài 2: Phụ huynh "khóc ròng" khi muốn chuyển trường cho con lớp 10