Ông Phan Đình Năm (SN 1980, ở Gia Lai) là bị hại trong vụ án giết người xảy ra ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai hồi tháng 8/2022. Câu chuyện khiến nhiều người chú ý khi mới đây, chính ông Năm đã có đơn kháng cáo gửi đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để kêu oan cho bị cáo.
Đơn kháng cáo cho rằng, việc tòa án cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo Phan Văn Thanh, Nguyễn Đình Đông vai trò đồng phạm, giúp sức về mặt tinh thần cho bị cáo chủ mưu là Phạm Văn Giáp nên tuyên phạt 3 bị cáo trên lần lượt mức án 10, 8 và 7 năm tù là chưa đúng với nội dung vụ án.
Theo ông Năm, chính nhờ có bị cáo Văn và Đông cản bị cáo Giáp, không cho bị cáo này tiếp tục đánh ông Năm. Việc giữ bị cáo Giáp đã tạo điều kiện cho ông Năm chạy thoát thân.
Ông Năm kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, khi xét xử phúc thẩm vụ án cần đánh giá đúng vai trò, vị trí của bị cáo Văn và Đông không phải là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Giáp phạm tội Giết người.
Trong đơn kháng cáo, ông Năm viết: “Ngay lúc Văn nhận thấy Giáp đánh tôi thì Văn đã hất tay ra và Văn cùng Đông đã giữ Giáp để cho tôi chạy đi được. Do vậy, tôi rất cảm kích Văn và Đông đã giúp tôi, nhờ có Văn và Đông nên tôi mới chạy đi được… Việc Tòa án tuyên những người đã giúp tôi phạm tội Giết người với vai trò đồng phạm giúp sức theo tôi là không đúng với sự việc đã xảy ra”.
Vụ án giết người
Theo bản án sơ thẩm, ngày 10/8/2022, bị cáo Giáp gọi bị cáo Văn, Đông và một người khác có tên Lê Mộng Ánh Tuyết đi nhậu. Trong cuộc nhậu, bị cáo Giáp kể cho mọi người nghe việc bị cáo có mâu thuẫn với ông Năm và rủ mọi người đi “rửa hận”.
Tất cả đi đến nhà ông Năm đứng chờ. Khi ông Năm vừa chạy xe về đến nhà thì bị cáo Văn đứng chặn ở đầu xe. Cùng lúc đó, bị cáo Giáp cầm chai rượu Vodka Men đập đáy chai vào đầu ông Năm khiến chai rượu vỡ rớt xuống. Bị cáo Giáp tiếp tục đấm nhiều lần vào đầu, mặt ông Năm.
Khi nạn nhân bỏ chạy, bị cáo Giáp, Văn, Đông cùng đuổi theo. Khi thấy ông Năm chạy vào quán bida thì Giáp chạy đi tìm cây, gõ cửa nhà gần đó để mượn cây, mượn dao nhưng không được. Lúc này, bị cáo Giáp nhặt cây đưa cho Văn và Đông nhưng cả hai không cầm. Bị cáo Giáp đã dùng cây đập xe máy của ông Năm rồi bỏ đi.
Ông Năm bị thương tích 5%.
Theo bản án sơ thẩm, với diễn biến của vụ án nêu trên thấy rằng, hành vi của bị cáo Giáp là côn đồ, quyết liệt và hung hãn, bất chấp tính mạng của bị hại. Việc bị hại không chết là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Điều đó còn được thể hiện khi bị hại bỏ chạy thì bị cáo vẫn tiếp tục truy đuổi, tìm hung khí để đánh.
“Về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại thì hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Giết người”, nhận định của HĐXX cấp sơ thẩm.
Đối với bị cáo Văn và Đông, bản án sơ thẩm cho rằng, cả hai đều nghe bị cáo Giáp kể về mâu thuẫn giữa bị cáo Giáp và ông Năm nhưng đã cùng với bị cáo Giáp đến nhà người bị hại. Đến nhà ông Năm, bị cáo Văn đứng chờ và đứng trước đầu xe ông Năm, tạo điều kiện cho bị cáo Giáp cầm chai rượu đập vào đầu ông Năm, gây ra vết thương lộ sọ.
Hành vi của bị cáo Văn bị tòa án cấp sơ thẩm xác định là giúp sức tích cực cho bị cáo Giáp còn sau đó bị cáo Văn có can ngăn bị cáo Giáp hay không chỉ là hạn chế việc bị cáo Giáp phạm tội đến cùng.
Bản án sơ thẩm cũng cho rằng, bị cáo Đông tuy không trực tiếp chặn xe và gây ra vết thương cho ông Năm, nhưng bị cáo đã giúp sức về mặt tinh thần cho bị cáo Giáp. Điều này được khẳng định từ lời khai của bị cáo Giáp là không dám đi một mình nên đã rủ bị cáo Văn và Đông đi cùng.
Từ phân tích trên, HĐXX cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Văn và Đông là đồng phạm với bị cáo Giáp. Trong đó, bị cáo Giáp đóng vai trò khởi xướng và thực hành.