Ngày 30/9, tại Hòa Bình, Bộ Y tế đã phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé".

Chương trình này diễn ra từ ngày 1- 7/10 với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sau sinh, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và bà mẹ sau sinh.

Theo lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), trong chương trình này, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về Làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã, ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

Chương trình tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. 

Để mỗi phụ nữ khỏe mạnh sinh con khỏe mạnh, công tác khám sàng lọc, tiêm phòng, tư vấn khi mang thai vô cùng quan trọng. Mỗi phụ nữ mang thai cần khám thai tối thiểu 4 lần, sinh con ở cơ sở y tế đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số mang thai vẫn cần phải bổ sung vitamin, sắt, axit folic đầy đủ, xét nghiệm viêm gan B, giang mai và HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. 

Sau sinh con, phụ nữ sẽ được hướng dẫn chăm sóc trẻ em an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ. Chương trình này cũng đưa ra những lợi ích của việc chăm sóc chuẩn 1.000 ngày đầu đời tốt cho trẻ như thế nào.

Tuần lễ Làm mẹ an toàn sẽ được tổ chức ở 51 tỉnh thành, lan tỏa thông điệp về chăm sóc bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2001- 2022, tỉ lệ tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰).

Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân năm 2000 là 33,8% đến năm 2022 giảm còn 11,2%, trẻ em thể thấp còi 29,3% giảm xuống còn 19,2%.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV