Tích cực triển khai
Từ tháng 12/2022, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Quảng Ngãi thuộc 16/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối vào cuối năm 2022. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối với 8 hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC của các bộ, ngành. Hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia để phục vụ tái sử dụng kết quả số hóa giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC giúp người dân, DN chỉ cung cấp thông tin một lần. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp, hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Đoàn viên, thanh niên xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công và nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: HĐST |
Quyết tâm đẩy mạnh DVC trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh năm 2023. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Trong đó có Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 14/6/2023 về quy định rút ngắn tối thiểu 20% thời gian giải quyết TTHC thực hiện nộp trực tuyến và phê duyệt danh mục DVC trực tuyến, danh mục DVC trực tuyến thí điểm tiếp nhận và trả kết quả hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn ngư dân về dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Lam Giang |
Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 30/7, tổng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên địa bàn tỉnh gần 82,8 nghìn hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp tỉnh trung bình đạt 70%, cấp huyện đạt 30%, cấp xã đạt 17,7%. Về thanh toán trực tuyến qua Cổng DVC Quốc gia, tính đến tháng 8/2023, Quảng Ngãi phát sinh trên 27 nghìn giao dịch, số tiền thanh toán đạt gần 40 tỷ đồng, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, UBND huyện Sơn Tịnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh triển khai DVC trực tuyến trên địa bàn. Lãnh đạo UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, nhờ tích cực hướng dẫn, phục vụ tốt, kịp thời cho người dân, DN và đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm 50% phí, lệ phí khi nộp hồ sơ trực tuyến (theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), việc thực hiện DVC trực tuyến trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến. Các xã Tịnh Sơn, Tịnh Phong đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cấp xã.
Đoàn viên, thanh niên huyện Ba Tơ trao đổi kinh nghiệm trong tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Ý Thu |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tại một số nơi, tỷ lệ người dân sử dụng DVC trực tuyến chưa cao. Nguyên nhân do người dân còn hạn chế trong việc nắm bắt thông tin, kiến thức về các DVC trực tuyến. Một trong những rào cản khiến người dân khó tiếp cận DVC trực tuyến là vì chưa có thiết bị phù hợp để kết nối, thực hiện các thao tác DVC trực tuyến...
Thực hiện Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 13/7/2023 của UBND tỉnh, các địa phương đã xây dựng và quyết tâm thực hiện kế hoạch cao điểm 30 ngày đêm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả DVC trực tuyến trên địa bàn. Mục tiêu đề ra, từ ngày 5/8/2023 - 5/9/2023, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 85%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% tại bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã.
Tại huyện Mộ Đức, UBND huyện đã phân công rõ từng nhiệm vụ, trách nhiệm, yêu cầu triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, hiệu quả. Từ ngày 5/8, các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung rà soát, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến. Triển khai thực hiện tiếp nhận trực tuyến đối với các DVC đã cung cấp ở mức 3, 4; UBND cấp xã đảm bảo 100% hồ sơ xử lý trực tuyến đối với các DVC mức 3, 4.
Công chức phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Đông Yên |
Cùng với huyện Mộ Đức, những ngày này, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang bước vào giai đoạn cao điểm 30 ngày đêm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả DVC trực tuyến. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn. “Chúng tôi kỳ vọng khi triển khai, thực hiện kế hoạch cao điểm 30 ngày đêm tại các địa phương góp phần thúc đẩy tăng tỷ lệ DVC trực tuyến. Bên cạnh đó, góp phần lan tỏa kỹ năng số trong đó có kỹ năng giao dịch DVC đối với người dân”, Giám đốc Sở TT&TT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Trần Thanh Trường cho hay.
Theo Kế hoạch số 96/KH-UBND, mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình; phấn đấu đạt tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tối thiểu tăng 10% so với năm 2022; 50% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa (người dân, DN không đến bộ phận một cửa, mà thực hiện DVC trực tuyến tại nhà, tại nơi làm việc); 100% TTHC được tiếp nhận và thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, không để hồ sơ chậm muộn; 80% DVC trực tuyến một phần và toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị biết và sử dụng DVC trực tuyến. |
Theo Bảo Hòa (Báo Quảng Ngãi)