Chiều hướng gia tăng nạn mua bán người
Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất.
Tại Việt Nam, việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022 cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng trong nhân dân. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh 590 trường hợp, xác định 337 trường hợp nạn nhân bị mua bán. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) đã tiếp nhận trên 3.100 cuộc gọi; trong đó có 128 ca chuyển tuyến giải cứu, hỗ trợ cho 146 nạn nhân và người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân.
Số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, thống kê từ các tỉnh, thành phố từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó 100 người bị mua bán trong nước và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, có 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.
Các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được 417 nạn nhân, trong đó 213 nạn nhân được bảo vệ an toàn, 343 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 273 nạn nhân được hỗ trợ, 273 nạn nhân được hỗ trợ chi phí đi lại, 184 nạn nhân được hỗ trợ y tế, 101 nạn nhân được hỗ trợ pháp lý, 233 người được hỗ trợ tâm lý, 69 nạn nhân được trợ cấp khó khăn ban đầu, 18 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn và 18 nạn nhân được hỗ trợ việc làm.
Có thể thấy, công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng tại Việt Nam được dự báo còn nhiều thách thức.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nền tảng kỹ thuật số để lôi kéo dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, các tài khoản ảo bằng các chiêu trò kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có...
Sau đó, những đối tượng này tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp. Phổ biến hơn là lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage, tụ điểm mại dâm trá hình trong nội địa.
Nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Trước sự gia tăng của tội phạm mua bán người, Việt Nam đã có nỗ lực đáng kể nhằm tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư và các hoạt động phòng, chống mua bán người.
Trong quá trình triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ mới trên tất cả các lĩnh vực, như nâng cao năng lực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều đối tượng mua bán người hơn, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật và khởi tố hình sự đối với các cán bộ bị cáo buộc đồng lõa.
Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp và chuyển tuyến giữa các cơ quan liên quan thông qua việc chuẩn hóa các quy trình, thủ tục và tăng cường năng lực thể chế như sáng kiến của Bộ LĐTB&XH về triển khai Quy chế phối hợp giữa bốn bộ (Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng) trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, có hiệu lực vào tháng 8/2022.
Những nỗ lực bảo vệ nạn nhân của Chính phủ Việt Nam đã được các đối tác quốc tế ghi nhận. Điều này được thể hiện ở vị trí nâng lên hạng 2 trong danh sách theo dõi của Báo cáo về tình hình mua bán người năm 2023.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp chú trọng công tác phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn, giải quyết lao động, việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có khả năng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, đa đạng hình thức giáo dục pháp luật và truyền thông xã hội nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người. Điển hình là ngày 6/7, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người”.
Theo đó, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người đã được ban hành 5 - 6 năm, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Có thể kể đến như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội... Bên cạnh đó, cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản...
Những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.