Theo báo Quảng Ninh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng Internet.
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng trong thôn, chị Chìu Mãn Múi, thôn Quế Sơn (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet đọc báo và ứng dụng nhiều nội dung trong chuyển đổi số của tỉnh, như cài đặt định danh điện tử và giao dịch hành chính.
“Tôi được tổ công nghệ số cộng đồng trong thôn hướng dẫn cách cài đặt zalo và hoạt động trong các nhóm zalo của thôn, qua đó tôi đã cập nhật tin tức từ lãnh đạo thôn, xã và các văn bản của Đảng, Nhà nước, cùng với đó tôi đã cập nhật các ứng dụng như VNeID”, chị Chìu Mãn Múi chia sẻ.
Xã Đông Ngũ hiện có 45,6% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để làm tốt công tác chuyển đổi số toàn diện, xã thành lập 10 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn với 83 thành viên.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà dân, nhất là bà con DTTS, tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu được tiện ích, ý nghĩa chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin...
Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh hiểu biết CNTT sinh sống ở các thôn, bản có đồng bào DTTS trực tiếp hướng dẫn những kỹ năng, cách thức công nghệ để người dân khai thác sử dụng tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Để hỗ trợ người DTTS về CNTT đáp ứng chuyển đổi số, hiện nay các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương trên toàn tỉnh cũng đã đến tận nhà văn hóa thôn và đến các hộ gia đình để hướng dẫn bà con các nội dung về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con sử dụng internet, trong thời gian qua, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện kế hoạch phủ sóng di động, cáp quang internet vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Đến hết tháng 6/2023, đã hoàn thành xây dựng và phát sóng thông tin di động cho 54/54 trạm phủ sóng cho 66 thôn (đạt 100%) so với kế hoạch.
Triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 97 thôn (đạt 86%). Nhờ đó đến nay vùng phủ và tín hiệu sóng di động ổn định, người dân ở xa khu vực trung tâm cũng dễ dàng tiếp cận sử dụng mạng Internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí.
Để tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh đều có thể tiếp cận sử dụng Internet, đơn vị viễn thông cũng thực hiện chính sách viễn thông công ích, đưa internet đến với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời cung cấp thiết bị chuyên dụng để người dân có thể vào mạng, xem truyền hình Internet.
Để đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thời gian tới tỉnh xây dựng dự án ứng dụng CNTT trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật về dân tộc, bình đẳng giới, giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS.
Tập huấn, hỗ trợ đồng bào DTTS tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, trưởng thôn, bản, người có uy tín và cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng DTTS của tỉnh.