Để nâng cao năng lực cho các Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) cần có sự phối hợp chặt trẽ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ KH&CN và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
 

Những năm qua, vai trò của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Trung tâm) trong việc thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương ngày càng được khẳng định. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các Trung tâm đã đạt được những kết quả tích cực.
 
Xung quanh vấn đề nâng cao năng lực của Trung tâm, ông Ngô Anh Văn - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN đã có một số chia sẻ.
 
- Xin ông cho biết tình hình hoạt động và năng lực ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các Trung tâm trong thời gian qua?
 

Kể từ năm 2010 đến nay, các Trung tâm đã và đang thực hiện 95 đề tài và 172 dự án trong những lĩnh vực chủ yếu như: công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản, an toàn bức xạ, công nghệ thực phẩm, năng lượng, xử lý môi trường… Tổng số kinh phí đề tài, dự án được phê duyệt là 224 tỷ đồng.
 
Theo thống kê, hiện có 32 Trung tâm thực hiện hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, môi trường… với tổng số 2.226 hợp đồng. Tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ hơn 24 tỷ đồng.
 
Những công nghệ được lựa chọn để chuyển giao là công nghệ tiên tiến, hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như: nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất.

Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH&CN giới thiệu một số chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp, môi trường…

- Thực tế các Trung tâm đã làm chủ được công nghệ để sản xuất sản phẩm hay chưa, nhu cầu công nghệ của các Trung tâm này ra sao, thưa ông?
 

26 Trung tâm đã làm chủ được 93 công nghệ trong lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, thông tin, môi trường, năng lượng và đo lường. Các Trung tâm đã tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có tại địa phương. Đồng thời, Trung tâm đã phát triển các sản phẩm lợi thế của vùng như cây ăn quả có múi, hoa các loại; chăn nuôi đại gia súc; phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả; trồng và bảo vệ rừng; bảo quản, chế biến nông, lâm, hải sản…
 
32 Trung tâm có nhu cầu công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, năng lượng, trồng trọt, an toàn bức xạ, công nghệ thực phẩm,… được các Viện nghiên cứu, trường Đại học khối kỹ thuật công nghệ, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong nước và các chuyên gia công nghệ từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHLB Đức đón nhận và sẵn sàng đáp ứng. Hầu hết các công nghệ này đã được các đơn vị nghiên cứu, làm chủ ở mức độ thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
 
Đặc biệt, kể từ năm 2008, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức các đoàn đi đào tạo, tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc cho Lãnh đạo các Trung tâm.
 
Trong quá trình học tập, các Trung tâm khai thác khả năng chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan nghiên cứu, đơn vị sản xuất, viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp của hai nước; tìm kiếm công nghệ mới của Trung Quốc, trao đổi và hợp tác toàn diện với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và các địa phương của Trung Quốc nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
- Theo ông, Bộ KH&CN cần có những định hướng gì để các Trung tâm thực sự phát huy vai trò là đầu mối ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương?
 

 Tôi cho rằng, để nâng cao năng lực ứng dụng chuyển giao công nghệ tại địa phương cần có sự đầu tư một cách thỏa đáng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương đặc biệt là Bộ KH&CN và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2020”.
 
Sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ hướng dẫn tổ chức thực hiện; tổng hợp danh mục và lộ trình thực hiện các dự án; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN hằng năm để thực hiện Đề án.

Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh trình diễn tàu đệm khí cỡ nhỏ tại hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ năm 2011 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở KHCN Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Bên cạnh đó, xây dựng Trung tâm thực sự thành đầu mối tiếp nhận tiến bộ KH&CN, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương; tạo điều kiện cho Giám đốc các Trung tâm được thực sự giao quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, tài chính; được làm chủ các dự án đầu tư, nhiệm vụ liên quan đến tăng cường tiềm lực... phục vụ các hoạt động phát triển của Trung tâm...

Hình thành một số loại nhiệm vụ có thể hỗ trợ trực tiếp cho địa phương nâng cao tiềm lực và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, như hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết phát sinh ở địa phương, ưu tiên các Trung tâm tiếp cận Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68), Chương trình nông thôn miền núi.

Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khắc phục tình trạng phân tán, sử dụng không đúng mục đích kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN. Tiếp tục có những chính sách và mục tiêu cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân lực KH&CN cho các địa phương. Xây dựng chính sách khuyến khích ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trong đó có cơ chế tài chính để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ làm đầu mối kết nối, hỗ trợ cho Trung tâm tìm kiếm, chuyển giao công nghệ để thực hiện các dự án, nhiệm vụ KH&CN đã được xác định theo nhu cầu của cơ sở qua các cuộc khảo sát thực tế.

Tạo điều kiện để các Trung tâm có cơ hội tiếp cận với các kết quả nghiên cứu từ khối Viện nghiên cứu và các Trường Đại học thông qua việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, trưng bày và trình diễn công nghệ, kết nối cung-cầu công nghệ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

  • Bài, ảnh: Phương Nga