Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên an toàn trước đại dịch
Ngày 1/10, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ TT&TT đã khai mạc chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại tỉnh này theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với hơn 3.000 đại biểu tại 191 điểm cầu kết nối từ trụ sở UBND tỉnh tới toàn bộ các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn của Thái Nguyên.
Được chủ trì bởi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, phiên khai mạc chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết đã tặng "Cẩm nang chuyển đổi số" tới tất cả các lãnh đạo, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và 178 xã trên địa bàn tỉnh. |
Nhấn mạnh chuyển đổi số là một xu thế phát triển tất yếu, mang tính đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030. Trong đó, xác định phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của CMCN 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Với tinh thần đó, ngày 31/12/2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số cũng là tỉnh đầu tiên có Ngày chuyển đổi số, đó là ngày 31/12 hằng năm.
“Có thể nói, điều đó thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt thời cơ và khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Thái Nguyên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng”, Bí thư Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, trước bối cảnh của đại dịch Covid đã và đang tác động hết sức mạnh mẽ đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như mọi mặt đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, có thể nói đến nay tỉnh Thái Nguyên vẫn là một “an toàn khu” trước đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Thái Nguyên mới ghi nhận 19 ca F0. Các F0 đều được khoanh vùng cách ly ngay. Tất cả F1 không có sự lây chéo. Hiện tại, đã qua 40 ngày tỉnh không xuất hiện ca nhiễm Covid ngoài cộng đồng.
Thành tựu đạt được thời gian qua của công tác chống dịch tại Thái Nguyên, theo Bí thư Nguyễn Thanh Hải, có sự giúp sức của các nền tảng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đã giúp cho tỉnh Thái Nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có tính chất mùa vụ.
Nhờ vậy, trước bối cảnh của đại dịch, trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế tỉnh Thái Nguyên vẫn có mức tăng trưởng tốt, có tên trong top các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, đứng thứ nhất khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức của người đứng đầu
Cùng với việc điểm qua những kết quả đã đạt được sau gần 9 tháng triển khai Nghị quyết 01 về Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đại diện Tỉnh ủy Thái Nguyên thẳng thắn chỉ rõ: “Việc chuyển đổi số còn không ít những khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự chuyển đổi nhận thức, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu”.
Chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức chuyển đổi số tại Thái Nguyên do tỉnh phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức trong nửa đầu tháng 10 chính là hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số, đặc biệt là trở ngại liên quan đến nguồn nhân lực.
“Việc bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý về chuyển đổi số là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, con người bao giờ cũng là khâu then chốt. Có Nghị quyết, có chủ trương đúng, có sự quyết tâm nhưng kỹ năng nghiệp vụ và đặc biệt là sự hiểu biết về chuyển đổi số như thế nào cũng hết sức cần thiết”, đại diện Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ với các đại biểu về chuyển đổi số thông qua nhiều câu chuyện cụ thể. |
Trao đổi với các đại biểu tham dự chương trình bồi dưỡng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, nếu như trước đây câu trả lời là quan trọng thì trong kỷ nguyên số câu hỏi lại trở nên quan trọng hơn câu trả lời. Bởi lẽ, khi đã có câu hỏi thì với thế giới kết nối không khoảng cách như hiện nay, chắc chắn sẽ có câu trả lời đúng.
Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, Thứ trưởng cho biết: Công cuộc chuyển đổi số đơn giản là chúng ta chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số. Quá trình chuyển đổi là cái mới. Khi cái mới xuất hiện thì nhận thức là quan trọng hơn.
“Chúng tôi cho rằng CMCN 4.0, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về mặt nhận thức và chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, là câu chuyện chúng ta dám hay không dám làm, là câu chuyện chúng ta lựa chọn hay không lựa chọn. Vì thế, trước tiên nó là câu chuyện về nhận thức”, Thứ trưởng nói.
Theo đại diện Bộ TT&TT, chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho địa phương đã được Bộ TT&TT dày công thiết kế. Chương trình tại Thái Nguyên cũng là lần đầu Bộ TT&TT giới thiệu nền tảng tri thức mở, học tập bồi dưỡng kiến thức trực tuyến một chạm OneTouch với nhiều nội dung cơ bản, miễn phí.
Chương trình bồi dưỡng diễn ra trong các ngày 1, 2/10 và ngày 8, 9/10/2021 với 5 chuyên đề: Chuyển đổi số và phương pháp luận 2-3-5; Chuyển đổi số cho địa phương; Chuyển đổi số doanh nghiệp; Năng lực số đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chính quyền; Xã hội số và tác động của chuyển đổi số đối với người dân.
Qua chương trình, cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở tại Thái Nguyên sẽ hiểu rõ những vấn đề chính yếu của chuyển đổi số; nắm được phương pháp luận, các bước chuyển đổi số; đồng thời liên hệ, thảo luận để có thể xây dựng và thực hiện chuyển đổi số ở địa phương.
Vân Anh
Thái Nguyên ra Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số đến năm 2025
Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đưa Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc.